Bi hài chuyện đặt tên cho con

ANTĐ - Con người ai cũng có một cái tên để gọi. Nhưng cũng vì chuyện đặt tên cho con mà không ít cặp vợ chồng lâm vào cảnh dở khóc dở cười.
Bi hài chuyện đặt tên cho con  ảnh 1
Con thích tên con là gì?
Ngày xưa các cụ quan niệm, cái tên rất quan trọng, vì nó quyết định đến số phận đời người. Còn trong cuộc sống hàng ngày, thì cha mẹ thường gọi con bằng những cái tên xấu xí cho... dễ nuôi. Còn hiện nay thì cứ phải kêu như chuông, như khánh mới xứng để đặt cho “cậu ấm, cô chiêu”. Và xung quanh câu chuyện đặt tên cho con cũng có không ít bi hài.

Thông gia không nhìn mặt nhau chỉ vì chuyện đặt tên cho cháu

Thông thường, tên của mỗi người ghi dấu đậm nét nhiều khát vọng, kỷ niệm, sự mong mỏi... của bậc sinh thành vào con cái, thậm chí là của ông bà nội ngoại hai bên, đặc biệt là với trường hợp đứa cháu đích tôn như cu Tít. Tít là tên bố mẹ gọi yêu ở nhà, còn tên khai sinh của Tít là cả một câu chuyện buồn của hai bên thông gia.

Chuyện là khi chị Hà có bầu, biết tin mình sẽ có thằng cu nối dõi tông đường, anh Trung (chồng chị Hà) vui 1, thì ông Đức vui 10. Cho rằng phải tìm một cái tên thật oai, thật oách cho đích tôn, ông Đức đã “lao tâm khổ tứ” suốt mấy tháng trời, để lọ mọ đi tìm mua đủ loại sách hướng dẫn đặt tên cháu. Rút cuộc ông cũng tìm được một cái tên mà theo ông là “không thể chê vào đâu được” - Khánh Chung. Ông giải thích, Khánh Chung là khánh, là chuông, tên kêu như thế sau này danh phải vang bốn bể.

Đó là bên nội. Bên ngoại cũng không “kém cạnh” khi biết mình tin sắp được lên chức ông bà. Ông ngoại cháu là nhà thơ nên có quan niệm những cái tên không đơn thuần là danh xưng mà phải chứa đựng niềm vui, hy vọng, cái tên phải đặc biệt khác người nên ông cũng rất kỳ công tìm tên cho cháu. Qua nhiều ngày đêm miệt mài “nghiên cứu” ông đã đặt tên cho cháu là Ngọc Đại. Cái tên thì rất hay, nhưng khổ nỗi khi “chiếu” vào gia phả họ nội của cháu (tức nhà thông gia) thì lại bị “đụng hàng” với cụ cố cách nay 5 đời, thế nên không dùng được.

Chỉ có vậy, mỗi người một ý, chẳng ai nhường ai, thậm chí hai bên nội ngoại còn không muốn nhìn mặt nhau chỉ vì cái tên cho cháu! Mãi tận đến khi cháu bé chào đời, nhìn thằng bé kháu khỉnh, hai bên thông gia mới làm hoà và đi đến thống nhất đặt cho cu Tít tên là... Ngọc Khánh, như vậy là được cả hai nhà.

Vợ chồng sứt mẻ tình cảm chỉ vì đặt tên cho con

Bên cạnh những cuốn cẩm nang đặt tên cho bé,

không ít bậc phụ huynh cònmượn tới "thuật phong thuỷ" để tìm tên cho con

Dự kiến sinh con vào năm Rồng, chị Hương thủ thỉ với chồng sẽ đặt tên con là Long, nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của anh Thắng. Cãi cự mãi cuối cùng chị cũng được biết lý do anh Thắng không thích con trai mình tên Long, chỉ vì nó gợi nhớ đến... tình địch của anh thời còn “cưa cẩm” chị.

Không nhất trí đặt tên Long, anh Thắng đề xuất, con trai của anh chị sẽ họ Hoàng tên Nguyên. Hỏi tại sao chọn tên con như thế anh thắng không nói. Lời qua tiếng lại, chị Hương bỗng cho rằng, chắc anh Thắng lấy... tên người yêu cũ đặt cho con mình. Thế là cãi nhau!

Tương tự trường hợp anh Thắng chị Hương, tuy vừa mới sinh con gái được hơn nửa tháng nhưng chị Thuỷ đã bị stress nặng, mà nguyên nhân cũng từ sự bất đồng trong việc chọn tên cho em bé.

“Chồng có lý của chồng, mình cũng có lý của mình chứ”, chị Thuỷ nói giọng như sắp khóc. Con thì con chung chứ nào của riêng ai, ấy vậy mà mình đề xuất tên nào cũng bị chồng gạt phắt đi, cho là thế này thế nọ. Đặt là Kỳ Sơn, nơi hai người gặp nhau lần đầu tiên, thì bảo là hơi nam tính; gọi là Quỳnh Hoa thì cho rằng cái tên này rất vất vả, phải làm việc… về đêm; còn là Trà My thì không thích, vì đây là tên một loài chim, hay hót, lớn lên sẽ không chịu học hành mà sẽ thành “xướng ca vô loài”... “Lòng rối như tơ vò mà chẳng biết phải làm thế nào. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc đặt tên con lại rối rắm như thế này”, chị Thuỷ bộc bạch.

Tự hào cái tên của con

Điều quan trọng là nuôi dạy bé nên người

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, cái tên không chỉ đơn thuần để phân biệt người này với người khác mà nó còn là “tài sản” của mỗi người. Việc đặt tên con tùy thuộc vào quan niệm của từng người, từng gia đình và từng dòng họ... Cái tên cũng là một yếu tố để kích thích con cái nỗ lực đạt được hy vọng ấy của bố mẹ. Theo truyền thống của người Việt, việc đặt tên nên tham khảo ý kiến những người lớn tuổi trong gia đình, bởi những người này nắm được hệ thống tên của những người trong dòng họ, tránh “phạm húy”. Khi đặt tên con cũng nên tránh đặt trùng với tên của những người có tuổi trong gia đình, họ tộc để bày tỏ sự kính trọng đối với thế hệ đi trước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý rằng, cái tên không quyết định số phận của một con người. Có chăng nó cũng chỉ là “thương hiệu” của một con người mà thôi. Và thương hiệu đó là phương danh hay ô danh phụ thuộc phần lớn vào quá trình chăm sóc, giáo dục em bé, quan tâm đến gia đình, bản thân, để trau dồi tri thức, lớn lên trở thành người có ích cho xã hội - đó mới là điều quan trọng nhất. Cái tên khi ấy trở thành niềm tự hào của cha mẹ, ông bà và có khi là của cả cộng đồng.