Bị con trai đánh đập, bố dùng dao "dạy dỗ"

ANTĐ - Lệ không định chém thẳng vào cổ thằng con trai, nhưng dao kiếm vô tình không có mắt, đã đi thẳng vào chỗ hiểm... 

Gã đàn ông nông thôn học mãi không qua được lớp một, không biết đọc, không biết viết, phải điểm chỉ vào dưới mỗi bản khai vốn chẳng uống được nhiều rượu, chỉ 3 chén là say cả chấy, nhưng lại nát rượu. Mỗi lần rượu vào, lại thích sai thằng con làm một số việc, trong khi thằng con lại không thích làm theo sự sai bảo của bố.

Những trận cãi vã thường xuyên xảy ra và kết quả là ông bố Đào Văn Lệ thường bị thằng con trai Đào Văn Tiến đánh. Một lần, Lệ bị con trai đánh sưng vều cả môi, mẻ cả răng. Sợ chúng tôi không tin, Lệ nhe răng, lấy ngón tay chỉ vào chiếc răng cửa: "Chính là cái răng này em bị nó đánh gãy đây".

Đàn ông... phận mỏng!

Hai tay bưng mặt khóc, gương mặt dài ngoằng của Đào Văn Lệ méo mó đến thảm hại. Lệ nói những câu gì không rõ nghĩa, hình như là muốn thanh minh cho cái hành động dùng dao chém vào cổ thằng con trai Đào Văn Tiến. Phải động viên mãi, người cha ấy mới ngưng khóc. Chắp nhặt những lời kể (phải nghe mãi mới hiểu) của một kẻ kém phát triển trí tuệ và những lời "dịch" của Trung tá Phan Minh Tuấn, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hải Dương, câu chuyện của Lệ quả thực khiến chúng tôi thấy cám cảnh cho cuộc đời một gã đàn ông hèn tài kém phận.

Đối tượng Đào Văn Lệ

Năm 1987, qua người mai mối, Đào Văn Lệ, SN 1968, ở xã Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương, lấy bà Nguyễn Thị May, SN 1969. Nhà Lệ đông anh em, đất lại ít, nên khi lấy vợ, Lệ phải sang ở rể vì bà May chỉ có một mình. Hai năm sau, cô con gái Đào Thị Loan ra đời, hai năm sau nữa thì bà May lại sinh tiếp câu con trai Đào Văn Tiến. Có nếp, có tẻ, Lệ đi đám trong làng được liệt vào dạng đủ "điều kiện" để ngồi mâm trên "chém gió". Vợ chồng Lệ làm nông nghiệp, cấy cày tới hơn 2 mẫu ruộng. Trước khi bị bắt, anh ta mua máy cày và làm nghề cày thuê cho người ta, mỗi ngày cũng được khoảng hơn một trăm nghìn đồng. Ở vùng quê nghèo, thu nhập như thế cũng là mơ ước đối với nhiều người. Tuy kém cỏi về hình thức cũng như... sự nghiệp, nhưng bù lại, Lệ có bà vợ khỏe mạnh, chăm chỉ làm lụng.

Những người hàng xóm kể rằng, bà May đích thực là một tá điền, bà làm quần quật suốt ngày, người đen trũi, lùn tịt nhưng chắc nịch như nắm cơm. Người ta thường nói, đàn ông là trụ cột gia đình, nhưng trong gia đình Lệ, hình như anh ta lại là cái cột yếu ớt, còn bà vợ mới đích thực một tay chèo chống gây dựng cơ nghiệp nuôi cả nhà. Căn nhà ba gian tuy chỉ có một tầng rất khang trang, sạch sẽ cũng chính do một tay bà May xây dựng. Phàm những gã đàn ông không có sự nghiệp, thường ít khi được vợ con coi trọng, huống hồ Lệ lại nát rượu. "Mỗi lần em với nhà em xích mích chuyện gì, nhà em thường nói: tôi về bảo con tôi đánh cho ông một trận".

Nói đến đây, Lệ lại bưng mặt khóc tu tu. Anh ta cũng hiểu rằng, phận đàn ông ở rể như mình khác nào "chó chui gầm chạn", không có tiếng nói trong gia đình nên khó mà được vợ con tôn trọng. Thấy mẹ không sợ... bố, các con của Lệ cũng không sợ nốt, cô con gái đầu lấy chồng ra ở riêng tuy ít va chạm, nhưng cũng thỉnh thoảng cãi bố, còn cậu con trai Đào Văn Tiến thì cãi láo với bố. Đích thân Lệ phải ra UBND xã nộp đơn xin cho con đi nghĩa vụ quân sự với mong muốn nó ngoan hơn.

Tôi hỏi Lệ: "Trước khi ăn cơm, các con anh có mời bố mẹ không?". Lệ lắc đầu: "Không. Nhà em ăn cơm chả ai mời ai, cứ ngồi vào mâm là cắm đầu ăn thôi". Năm 2010, Đào Văn Tiến đi nghĩa vụ quân sự, đến tháng 1-2012 thì Tiến xuất ngũ. Bố mẹ động viên Tiến đi học nghề khai thác than nhưng Tiến. không chịu học, được mấy hôm là bỏ về. Tiến rất nóng mắt khi thấy bố mình thỉnh thoảng lại thích... sai vặt mình. Việc Tiến cãi láo, chửi bố là thường xuyên, còn nếu tính chuyện đánh thì cho đến lúc lìa đời ở tuổi 21, Tiến đã kịp... tặng ông bố ruột của mình 3 trận đòn, trong đó có trận... tóe máu.

3 lần bị con trai đánh

"Năm 2007, cả nhà em ra cày thửa ruộng cho bà nội. Đất ruộng cứng nên thằng con em nó cằn nhằn. Em bảo nó, ruộng của bà nội chứ của ai mà cằn nhằn, thế là nó đấm em luôn. Vợ em và đứa con gái cũng xông vào đẩy em ngã" - Lệ trình bày. "Nếu hai vợ chồng anh đánh nhau thì ai là người thua?" - tôi hỏi. "Nhà em khỏe lắm, nếu mà đánh thì chắc là nhà em thắng thôi. Trong nhà em, ai cũng đánh được em vì em yếu nhất". Đó là lần đầu tiên Lệ bị con trai đánh. Nhưng lần đó không đổ máu (cách dùng từ của Lệ).

Lần thứ hai là năm 2010, trước khi Tiến đi bộ đội. "Hôm đó nhà em lắp cái cửa nách, thợ thuyền họ đến, em bảo, cửa này lắp chưa được đâu, nó cũng đánh em gãy cả răng". Lần thứ ba: "Em thấy chị em nó cãi nhau, em mới hỏi, "sao hai chị em lại cãi nhau", nó bảo: "Ông biết cái gì" rồi đạp em ngã lộn từ cầu thang xuống đất sưng vều môi. "Những lần anh bị con trai đánh, vợ anh biết chuyện có nói gì không, có mắng con hay bắt nó phải xin lỗi bố không?" - tôi hỏi. "Nhà em biết nhưng cũng chẳng nói năng gì" - Lệ trả lời.

Từ khi Tiến xuất ngũ về ở cùng bố mẹ, giữa hai bố con Lệ thường xuyên xảy ra xô xát. Nguyên nhân là do Lệ hay uống rượu say, sai bảo Tiến làm một số việc nhưng Tiến lại không nghe, Lệ mắng con trai thì Tiến nổi xung chửi lại bố. Tuy không có nghề ngỗng gì nhưng Tiễn cũng chẳng giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Đến bữa, Lệ lại lụi cụi nấu cơm cho cả nhà ăn.

Sáng 12-5, chỉ có hai bố con Lệ ở nhà. Lệ đi mua 2 lạng mỡ về rán và dặn Tiến để ý hộ rồi anh ta ra vườn dọn đến khoảng 11 giờ vào bếp thì thấy chảo mỡ đã bị cháy. Bực mình, Lệ lên nhà định mắng Tiến thì thấy Tiến đang nằm trên giường cùng anh Nguyễn Văn Biên, ở cùng thôn, cũng là bạn bộ đội vừa xuất ngũ với Tiến nên không mắng Tiến nữa mà lại bảo con trai đi lấy nước cho bạn uống. Anh Biên nói, anh đã uống nước rồi.

Sau đó, Lệ mang vỏ chai Coca đi sang hàng xóm mua bia hơi và đặt cạnh chỗ anh Biên nằm và bảo: "Biên uống bia đi". Anh Biên lại từ chối không uống. Khi Lệ đi ra gần chỗ bàn uống nước thì Tiến chửi bố rồi cầm chai bia ném trúng vào bắp chân bố. Lệ không nói gì, nhặt chai bia lên và đặt vào giường cạnh chỗ Biên nằm rồi lại mời: "Biên uống bia đi". Tiến tiếp tục cầm chai bia ném vào bố nhưng anh Biên đã giữ tay Tiến lại. Lệ không nói gì, bỏ ra ngoài.

Căn nhà nơi xảy ra án mạng

Cay cú vì bị con trai chửi láo trước mặt bạn, càng nghĩ càng uất thằng con bất hiếu nên Lệ đã nảy sinh ý định giết Tiến. Anh ta liền xuống bếp lấy con dao phay đi lên nhà, lúc đó Tiến đã ngủ rồi. Nhằm thẳng cổ nghịch tử, Lệ vung dao chém xuống không thương tiếc. Anh Biên hốt hoảng gọi một số người và xe cấp cứu đưa Tiến đến bệnh viện nhưng anh Tiến đã chết vì vết thương quá nặng. Sau khi chém con, người cha khốn nạn ấy cầm dao cất vào bếp rồi đi bộ đến UBND xã Duy Tân, huyện Kinh Môn đầu thú.

Lần đầu tiên đánh nhau là... chém con

Lệ kể rằng, cả đời anh ta, từ lớn đến bé chưa bao giờ biết đánh nhau mà chỉ bị... con đánh. Nhà Lệ đông anh em, ông bố thì mất từ khi anh ta còn nhỏ xíu, mẹ anh ta giờ ở cùng một ông anh bị thần kinh. Chuyện Lệ bị "vợ ghét con khinh" anh em nhà anh ta đều biết nhưng vì anh em kiến giả nhất phận nên không ai muốn tham gia. Bị bắt về Công an tỉnh Hải Dương, mãi đến hôm sau anh ta mới biết con trai mình đã chết, do một điều tra viên thông báo. "Nhận tin đó thì tâm trạng của anh thế nào?", Đào Văn Lệ ngẩn mặt ra nghĩ, hình như anh ta cũng không thể định nghĩa được cảm xúc của mình.

"Tại con dao trơn tuột, dao không có chuôi gỗ nên em chém trượt. Em cũng có hơi sai tí. Nghĩ lại thì cũng thấy ân hận" - Lệ biện minh cho hành động rồ dại của mình bằng những câu ngô nghê rất đặc trưng của những kẻ "máu lên não chậm". Hỏi ra mới biết, Lệ không định chém thẳng vào cổ thằng con trai, ý định của anh ta là chém vào chỗ khác, nhưng dao kiếm vô tình không có mắt, đã đi thẳng vào chỗ hiểm gây nên cái chết cho anh Tiến.

Đã có lần, chìa đôi môi sưng vều ra cho bạn bè của Tiến khi họ đến nhà chơi, Lệ hỏi các bạn của con mình: "Ở nhà chúng mày có đấm bố chúng mày sưng môi như thế này không?". Thấy Tiến cư xử với bố như thế, những người bạn đã nói anh này không được làm như vậy, nhưng Tiến chỉ im lặng không đáp lời. Lệ kể, hồi nhỏ Tiến không cãi bố, chưa nói láo với bố nhưng Tiến rất nóng tính. "Em cứ tưởng ra ngoài xã hội học được một sàng khôn, ai ngờ nó vẫn láo toét như cũ" - người cha tội lỗi giãi bày.

Theo Lệ thì cũng đã nhiều lần, chính quyền xã đến tận nhà can thiệp, khuyên giải mâu thuẫn giữa hai bố con nhưng mọi chuyện vẫn không được giải quyết dứt điểm. Và cuối cùng, người bố khốn nạn ấy đã "thay trời hành đạo", tự tay mình "dạy dỗ" nghịch tử bất hiếu. Một vụ án đau lòng đã xảy ra ở một vùng quê xưa nay vốn yên bình, trong một ngôi nhà cũng tưởng là yên bình, có nguyên nhân từ sạ giáo dục con cái không đến nơi đến chốn của những người làm cha, làm mẹ. Mọi bi kịch xã hội lâu nay thường bắt nguồn trong những ngôi nhà "dột từ nóc".