Bệnh viện cố giữ người bệnh nhẹ, ai “xử”?

ANTĐ - Trao đổi với PV Báo ANTĐ ngày 22-3, đại diện nhiều BV trung ương cho rằng quy định của Bộ Y tế yêu cầu các BV tuyến trên không được giữ bệnh nhân nhẹ để điều trị là khó khả thi. Lựa chọn khám chữa bệnh ở đâu là quyền của người bệnh và BV không được phép từ chối quyền đó.

Các BV tuyến trung ương quá tải trầm trọng do nhiều bệnh nhân vượt tuyến

Không ai muốn vượt tuyến

Như ANTĐ đã đưa tin, Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020 với điểm nhấn quan trọng là quy định yêu cầu các BV hạt nhân phải có nhiệm vụ chuyển tuyến người bệnh ở giai đoạn hồi phục về điều trị tại BV vệ tinh và BV vệ tinh không được chuyển bệnh nhân nhẹ lên tuyến trên, trừ trường hợp ngoài khả năng điều trị của mình. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – BV K Trung ương (cơ sở Tân Triều) cho biết, không có bất cứ một bệnh nhân nào muốn vượt tuyến bởi vừa tốn kém, vừa mất công mất sức, đi lại xa xôi. Lý do khiến họ phải vượt tuyến chính là vì họ chưa thể đặt trọn niềm tin vào các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới. Do đó không thể ép bệnh nhân nhẹ cứ phải ở lại tuyến dưới điều trị mà cần xây dựng được niềm tin cho họ với các cơ sở này để họ tự quyết định lựa chọn.

Theo ông Hùng, Đề án phát triển mạng lưới BV vệ tinh của Bộ Y tế là cần thiết nhưng không dễ thực hiện. “Chẳng hạn với chuyên khoa ung thư, muốn phát triển được một khoa vệ tinh tại BV đa khoa của các tỉnh thì phải cần đến ít nhất vài trăm tỷ đồng. Chỉ nói riêng một giàn máy xạ trị đã phải đầu tư 50-60 tỷ đồng, chưa kể đi cùng với nó là rất nhiều thiết bị khác, rồi nhân lực, cơ sở vật chất…, trong khi kinh phí của Bộ Y tế dự chi chỉ vài chục tỷ đồng. Như thế, nếu một BV hạt nhân đầu tư phát triển 5-7 BV vệ tinh thì khó tốt đồng đều được. Và một khi BV vệ tinh vẫn chưa tạo được lòng tin cho người bệnh thì chưa thể áp quy định sẽ xử phạt các BV cố ý giữ, chuyển bệnh nhân không đúng theo quy định của Bộ Y tế” – ông Hùng phân tích.

PGS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức cũng thẳng thắn chỉ ra, việc lựa chọn khám chữa bệnh ở đâu là quyền của người bệnh và chúng ta phải tôn trọng quyền đó, các BV không được phép từ chối bệnh nhân. Do đó, không thể nói là sẽ xử phạt BV tuyến trên nếu cố ý giữ bệnh nhân nhẹ ở lại điều trị, cũng không thể xử phạt BV tuyến dưới nếu họ cố ý chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị của mình lên tuyến trên. Hay có những bệnh nhân ở tỉnh xa nhưng gặp tai nạn ở Hà Nội, dẫu tai nạn nhẹ nhưng họ vào thẳng BV Việt Đức cấp cứu, điều trị thì BV không thể nói đó là ca nhẹ mà trả họ về tuyến dưới được. 

Có thể giảm mức chi trả BHYT

Một lý do khác dẫn đến tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên được Bộ Y tế đưa ra là do Quỹ BHYT phải chi trả cho bệnh nhân vượt tuyến với mức chi trả khá cao. Cụ thể, theo Luật BHYT hiện nay, người có thẻ BHYT đi khám đúng tuyến được hưởng 80% (không thuộc diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi). Nếu đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến từ BV hạng III trở xuống được hưởng 70%, BV hạng II được hưởng 50% và BV hạng I được hưởng 30%. Do vẫn được hưởng BHYT trái tuyến với mức khá cao như vậy nên nhiều người có điều kiện kinh tế sẵn sàng vào khám chữa bệnh thẳng tại các cơ sở tuyến trên, chấp nhận cùng chi trả. 

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam cho biết, để khắc phục tình trạng này, hiện đang có 2 hướng giải pháp, một cho rằng không nên thanh toán BHYT cho các bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến, một kiến nghị giảm mức chi từ quỹ BHYT cho các trường hợp này. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng nếu để bệnh nhân không vượt tuyến nữa mà không thanh toán BHYT trái tuyến cho họ là quan điểm có phần cực đoan, mất công bằng cho người tham gia BHYT. Do đó, việc tính toán lại mức chi trả BHYT cho các bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến đang được tính đến như là một giải pháp cần thiết và hợp lý.