“Bệnh lạ” tái bùng phát ở Quảng Ngãi

ANTĐ - Chỉ trong 2 ngày 6 và 7-3 vừa qua, tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) tiếp tục có thêm 9 bệnh nhân được phát hiện nhiễm “bệnh lạ”. Con số này tính từ đầu năm đến nay là 14 người, lan rộng ở 3 xã trong huyện Ba Tơ và 1 xã của huyện Sơn Hà. 

Khám sàng lọc bệnh lạ cho người dân ở huyện Ba Tơ 

(ảnh internet)

Dân hoang mang, chính quyền lo lắng

Trong báo cáo mới nhất về dịch bệnh ngày 6-3, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ba Tơ thừa nhận, Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (thường gọi là “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi) đã và đang có xu hướng bùng phát trở lại trên diện rộng. Bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc TTYT huyện Ba Tơ cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, diễn biến “bệnh lạ” không chỉ khu trú ở xã Ba Điền mà đã xuất hiện tại xã Ba Ngạc, Ba Vinh (cùng huyện Ba Tơ), xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà, gần xã Ba Ngạc). Hiện tại, trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục ghi nhận ca bệnh phải vào BV điều trị, trong đó 2 ngày 6 và 7-3, TTYT huyện phối hợp với BV Phong – Da liễu Trung ương Tuy Hòa (Quy Nhơn) tổ chức khám sàng lọc cho người dân đã phát hiện thêm 9 bệnh nhân mới. Chẳng hạn như lúc 8h ngày 6-3, có 3 bệnh nhân tại xã Ba Vinh nhập viện gồm Phạm Văn Ưn (SN 1980), Phạm Thị Vin (SN 1986) và Phạm Văn Toán (SN 2004)… Qua điều tra dịch tễ, các bệnh nhân này đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ăn gạo do gia đình sản xuất (lúa phơi chưa được khô đã sử dụng).

Đáng chú ý, dịch đã có tính chất xuất hiện trong phạm vi toàn gia đình, cụ thể có 1 gia đình 4 người ở xã Ba Điền và 1 gia đình 3 người ở xã Ba Vinh đều mắc bệnh. Như vậy, lũy kế từ ngày 19-4-2011 đến 8-3-2013, TTYT Ba Tơ ghi nhận hơn 220 ca mắc mới, 13 ca tử vong tại các cơ sở y tế và 11 ca tử vong tại cộng đồng trong thời điểm xuất hiện bệnh nhưng không biểu hiện rõ dấu hiệu của bệnh. Khả năng bệnh diễn biến phức tạp từng giờ khiến cho tâm lý người dân cũng như chính quyền địa phương hết sức hoang mang, lo lắng.

Do đây là bệnh chưa tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị hữu hiệu nên hiện tại, TTYT huyện Ba Tơ chủ động duy trì các giải pháp can thiệp thường xuyên, kịp thời tại cộng đồng song công tác phòng chống dịch bệnh nói chung đang rất lúng túng. Đến 7-3, qua 6 ngày điều trị, 5 bệnh nhân tại xã Ba Điền bệnh tạm ổn định, riêng trường hợp bệnh nhân Phạm Văn Hy, Phạm Thị Ngắp và Phạm Văn Đin men gan có xu hướng tăng, TTYT huyện đã động viên chuyển lên tuyến trên để điều trị nhưng gia đình kiên quyết không đồng ý. Hai bệnh nhân nặng khác là vợ chồng ông Đinh Văn Hoàn ở huyện Sơn Hà sau một thời gian điều trị tại BV đa khoa Quảng Ngãi đã trốn viện. Sự hoang mang của người bệnh, sự lúng túng của địa phương là điều đương nhiên khi ngay cả Bộ Y tế, đơn vị có trách nhiệm cao nhất trong chỉ đạo phòng chống, khống chế dịch bệnh này cũng đang tỏ ra bế tắc. 

Vẫn chưa rõ nguyên nhân

Đáng ngạc nhiên hơn là cuối năm 2012 vừa qua, trong báo cáo tổng kết ngành của mình, Bộ Y tế đã lựa chọn và công bố thành tích tìm ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) là 1 trong 10 thành tựu nổi bật của ngành y năm 2012. Tiếc là thời gian dịch “bệnh lạ” này tạm im ắng chưa lâu thì nay bùng phát trở lại, thậm chí có phần dữ dội hơn. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – người phát ngôn của Bộ về vấn đề dịch bệnh cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu gạo của bà con vùng bệnh “lạ” huyện Ba Tơ tại phòng thí nghiệm ở Hồng Kông tìm thấy một số loại nấm độc nhưng chưa chỉ ra chính xác loại nấm nào là tác nhân cụ thể gây ra căn bệnh này.

Trước đó, ngày 5-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công điện số 1120 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh này. Trong công văn nêu trên, Thứ trưởng Long đề nghị UBND tỉnh cung cấp gạo đảm bảo cho người dân ở vùng dịch “bệnh lạ”, không để người dân sử dụng gạo cũ, bảo quản không đảm bảo. Mặt khác, phải xử lý triệt để vi nấm mốc nơi chứa thóc gạo tại các hộ gia đình trong vùng dịch bệnh… Ý kiến chỉ đạo đó một lần nữa cho thấy Bộ Y tế vẫn hướng về quan điểm nguyên nhân gây “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi là do nấm mốc trong gạo ăn của người dân địa phương. Nói cách khác, Bộ Y tế vẫn đang có phần bất lực trong việc tìm ra nguyên nhân chính xác gây hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi. Điều đó cũng có nghĩa chưa thể hy vọng sẽ có được biện pháp khống chế dịch hữu hiệu và triệt để. Người dân trong vùng dịch bệnh sẽ vẫn phải tiếp tục sống trong tâm trạng thấp thỏm, hoang mang, với nguy cơ mắc bệnh, tử vong do bệnh có thể đến bất cứ lúc nào.