Bé gái siêu nhẹ và “gia đình” lớn

ANTĐ - Bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, bé Phạm Hồng Ngọc được cô nhi viện (CNV) Thánh An đưa về nuôi. Đến nay đã tròn 10 tuổi nhưng Ngọc chỉ nặng 8kg, lại bị khiếm thị và không nói ra lời. May mắn là Ngọc được ở trong một “gia đình” lớn với hàng trăm “anh em”.

Bé Phạm Hồng Ngọc đã 10 tuổi mà chỉ nặng 8kg


Vừa sinh ra đã bị… bỏ rơi

CNV Thánh An tọa lạc phía tây khuôn viên nhà thờ Chính tòa Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường - Nam Định) là nơi ở của hàng trăm người cô đơn bất hạnh và các trẻ mồ côi, tật nguyền.

Xơ Trần Thị Cúc còn nhớ như in buổi sáng tinh mơ 10 năm về trước, ngày mà bé Hồng Ngọc bị bỏ rơi ngay cổng CNV. Xơ Cúc cho hay, đó là một buổi sáng mùa đông năm 2001 khi chuẩn bị cho thánh lễ buổi sáng, người trong CNV nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ.

Mọi người cùng nhau chạy ra thì phát hiện bé gái được bọc trong một chiếc khăn trắng. “Ngọc lúc ấy chỉ nhỏ bằng cái chai. Thân thể tím bầm do giá lạnh”, xơ Cúc nhớ lại.

Thấy đứa trẻ ốm yếu nên Ban quản lý CNV đã giao Ngọc cho xơ Cúc là người có kinh nghiệm nuôi trẻ chăm sóc. “Nuôi một đứa trẻ tật nguyền đã khó, đằng này bé Ngọc lại bị đa tật nguyền nên càng phải chú ý từng giây phút”, xơ Cúc tâm sự.

Bé Hồng Ngọc vừa bị khiếm thị lại gần như không nói được. Có người lạ vào thăm, Ngọc chỉ ú ớ chào. Không những vậy, chân tay Ngọc không được bình thường. Cổ họng lại bị hẹp nên mỗi bữa, Ngọc chỉ ăn được nửa bát cháo.

“10 năm nay, Ngọc chưa ăn được một hạt cơm nào. Nhiều lần chúng tôi thử cho bé ăn cơm nhưng không thành. Ăn cháo cũng chỉ được nửa bát nhỏ và bữa ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ. Các bác sĩ bảo, cổ họng bé Ngọc bị hẹp nên chỉ ăn được cháo và sữa”, xơ Cúc cho biết.

Trước đây, Ngọc không ngồi được và phải có người bế nhưng từ năm 2009 đến nay bé đã ngồi được trên ghế. Nhìn Ngọc nhỏ như chiếc phích mà ai cũng động lòng thương. Hôm chúng tôi vào thăm, Ngọc đang ốm và cả người bị phù.

Xơ Cúc cho biết, bố mẹ bé Hồng Ngọc quê gốc ở Hà Nội. Trong bức thư để lại cho CNV khi bỏ rơi bé Ngọc, người mẹ có đề mấy chữ: “Vì gia đình quan niệm sinh ra đứa con tật nguyền là bị ma ám nên tôi đành phải bỏ đi. Gia đình rất mong quý vị trong CNV nuôi nấng đứa trẻ”.

Xơ Cúc còn cho biết: “Đã có lần gia đình bé Ngọc về thăm nhưng không ai dám công khai là người nhà. Thấy con cháu mình bị tật nguyền nên gia đình họ cũng không hào hứng gì và cũng chẳng giúp đỡ được gì cho bé”. 

Ngôi nhà của những thiên thần

Cần lắm những tấm lòng hảo tâm để các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn

CNV Thánh An được thành lập năm 1852 do một tu sĩ người Tây Ban Nha với mục đích đón nhận và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi khuyết tật. Có năm cao điểm, CNV tập trung đến 2 nghìn trẻ em từ khắp nơi. Đến nay, trải qua 160 năm tồn tại và phát triển, CNV Thánh An đang dần trở thành mái nhà chung không chỉ của các em nhỏ mà cả những người cô đơn không nơi nương tựa.

Xơ Phạm Thị Tươi - phụ trách Văn phòng CNV Thánh An cho biết: “Hiện nay, CNV đang chăm sóc cho 130 người. Trong đó có 90 em từ một vài ngày tuổi trở lên với trên một nửa các em là bại liệt, thần kinh hoặc các dạng khuyết tật khác. Trong đó, nhiều em bị dị tật do di chứng của chất độc da cam”.


Những người mẹ đảm đang

Ở CNV Thánh An hiện có hơn 30 xơ nhận nhiệm vụ làm “mẹ” của những đứa trẻ tật nguyền. Đó là 30 người “mẹ” tuyệt vời đã gắn bó cả cuộc đời với những đứa con kém may mắn và đầy bất hạnh này.

Xơ Trần Thị Cúc đã tròn 60 tuổi và đang làm “mẹ” của bé Hồng Ngọc là người gắn bó với CNV từ khi lên 10 tuổi. Khi còn nhỏ, theo cha mẹ đi thăm CNV rồi xin ở lại làm từ thiện.

Không giống như xơ Cúc, xơ Phạm Thị Tươi rất háo hức khi kể những câu chuyện về các em trong CNV. Gần 20 năm làm “mẹ” của các em nhỏ, xơ Tươi mới nghiệm ra một điều rằng: “Mỗi người sinh ra đều có một thiên chức thiêng liêng, được làm “mẹ” của các em khuyết tật không chỉ là một thiên chức mà còn là trách nhiệm đối với xã hội”.

Với những thành tích trong chăm sóc các em khuyết tật, xơ Tươi từng được chọn đi du học và được gặp gỡ cố Giáo hoàng John Paul II tại Rome - Italia để nói chuyện về công tác từ thiện đối với xã hội Việt Nam và thế giới.

Được biết, 30 người “mẹ” trong CNV còn kiêm làm y tá cho các em. Trong trung tâm này, các em bị tật nguyền thường hay ốm đau, thần kinh, co giật… nên các “mẹ” đã phải thay nhau đi học làm y tá để điều trị cho các em qua những cơn nguy kịch.

Linh mục Phạm Ngọc Oanh - Giám đốc CNV Thánh An cho biết, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền tỉnh Nam Định và các nhà hảo tâm, dần dần trung tâm được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Giờ đây, ngoài các em trong trung tâm được chăm sóc, CNV cũng đã hướng tới ủng hộ tiền và gạo cho các gia đình nghèo không chỉ ở Nam Định mà cả các tỉnh xa xôi như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Cuối năm 2009, CNV Thánh An cũng vinh dự được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm và tặng quà. “Sự quan tâm của xã hội là nguồn động viên để CNV tiếp tục phát huy vai trò là người chăm sóc cho các em khuyết tật”, Linh mục Oanh cho biết.