Bầu thiếu 4 đại biểu Quốc hội là bình thường

ANTĐ -Chiều nay, 9-6, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV. Theo đó, có tổng cộng 496 người trúng cử ĐBQH khóa XIV, thiếu 4 người so với tổng số ĐBQH được bầu ở 4 tỉnh là Sóc Trăng, Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai (mỗi tỉnh bầu thiếu 1 đại biểu so với số được phân bổ).

Hội đồng bầu cử Quốc gia họp báo công bố kết quả bầu cử ĐBQH khóa XIV chiều 9-6

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong cuộc bầu cử vừa qua, tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn chưa được khắc phục, vậy tại sao vẫn công nhận kết quả bầu cử, vẫn đánh giá đây là kỳ bầu cử thành công tốt đẹp?, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đúng là trong và sau bầu cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia có nhận được một số thông tin, đơn thư của công dân phản ánh thực trạng này.

Hội đồng đã giao cho Ủy ban bầu cử các tỉnh kiểm tra lại. Qua kiểm tra cho thấy, một số ý kiến phản ánh là nặc danh. Cũng có một số cử tri thừa nhận đi bỏ phiếu hộ nhưng lý giải chỉ bỏ hộ có các thành viên trong gia đình do có người đi làm ăn xa…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Chúng ta khẳng định đây là hành vi sai. Song cái sai này là do cử tri không hiểu biết, lỗi sai không nghiêm trọng, chỉ xảy ra bầu thay cho các thành viên trong hộ gia đình, không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Ủy ban bầu cử các địa phương đã có sự chấn chỉnh. Riêng với những nơi có bầu cử thay mà qua kiểm tra xác minh là sai phạm nghiêm trọng, làm sai lệch kết quả bầu cử, Ủy ban bầu cử Quốc gia đã chỉ đạo hủy bỏ kết quả bầu cử ở một đơn vị bầu cử (thuộc tỉnh Cần Thơ) và yêu cầu bầu cử lại”.

Nói thêm về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia nêu rõ, bầu cử hộ, bầu thay là vi phạm pháp luật, Luật không cho phép nhưng xử lý việc này cần phải dựa theo tính chất, mức độ để xem xét. “Thực tế vừa có có một điểm bầu cử ở Cần Thơ để xảy ra tình trạng này đã phải hủy kết quả và yêu cầu bầu lại, hiện các cơ quan pháp luật đang xem xét xử lý trách nhiệm cụ thể của đơn vị bầu cử này, như vậy là chúng ta xử lý rất nghiêm khắc” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi họp báo

Một vấn đề khác được quan tâm là việc có tới 4 tỉnh bầu thiếu ĐBQH so với số lượng được phân bổ, đồng thời có 15 người ứng cử do trung ương giới thiệu không trúng cử, điều này có ảnh hưởng gì tới tính đại diện của ĐBQH và chất lượng hoạt động chung của Quốc hội khóa XIV? Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng, Luật chỉ nêu là không được bầu quá 500, nên bầu thiếu 4 đại biểu là bình thường, không có gì phải băn khoăn, cũng không có gì để gọi là khiếm khuyết.

Riêng việc bầu thiếu 15 đại biểu do Trung ương giới thiệu, theo ông Trần Văn Túy, điều này đúng là có ảnh hưởng đến việc chuẩn bị bố trí nhân sự của Quốc hội khóa XIV, chẳng hạn có 6 người do UBMTTQ giới thiệu không trúng cử nên tính đại diện có ít nhiều thay đổi, hay 9 người dự kiến là ĐBQH chuyên trách (lần này đã chuẩn bị tăng 15 đại biểu chuyên trách so với khóa XIII) nhưng không trúng cử cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc bố trí nhân sự.

“Tuy nhiên qua rà soát tính toán chúng tôi thấy mức độ ảnh hưởng không nhiều. Đồng thời nó cũng là cơ hội để các cơ quan của Quốc hội qua hoạt động thực tiễn có thể thể lựa chọn bổ sung những người đã bộc lộ khả năng tốt bổ sung vào cơ quan mình, như thế sẽ làm Quốc hội mạnh hơn” – ông Trần Văn Túy phân tích.

 Bổ sung thêm vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây không phải là lần đầu chúng ta bầu thiếu mà các khóa trước cũng đã diễn ra, ở Quốc hội khóa 9, khóa XI, khóa XII cũng có tình trạng bầu thiếu từ 2-5 đại biểu và đều không bầu bổ sung thêm. Hơn nữa, tính ra số bầu thiếu lần này không lớn mà chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số ĐBQH được bầu.