Bất tử trong lòng đất Mẹ

ANTĐ - Biết bao dũng sỹ Điện Biên đã viết nên những trang sử bất tử để cho thế hệ hôm nay vui trong từng mùa hoa thơm quả ngọt. Những trận đánh Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Đồi A1... giờ mở ra điệu xòe hoa cho ngày vui không dứt.

Ông Phạm Đình Vụ trở lại đồi A1 thăm chiến trường xưa

Máu hòa trong đất Điện Biên

“Tôi còn nhớ tên từng người trong tiểu đội, dẫu không nhớ cụ thể được họ của các đồng chí ấy. Đồng chí Sinh, đồng chí Luân, Thọ…”, ông Phạm Đình Vụ, 86 tuổi, ở đơn vị C259 D18 Trung đoàn 102 bồi hồi nhắc lại. Người lính già lần nào trở về Điện Biên cũng vào nghĩa trang Độc Lập, Him Lam và tiếp theo là đồi A1, nơi đơn vị ông đã giành giật từng tấc đất, để viếng thăm đồng chí, đồng đội của mình. Những đồng chí ông nhắc tên và nhiều người nữa mãi mãi nằm lại với núi rừng Tây Bắc, với những mùa hoa ban trắng suốt 60 năm qua. Ông bảo, cũng còn nhiều đồng đội đã trở về như ông nhưng giờ thất lạc chẳng biết đường nào mà tìm lại nhau. “Chúng tôi đã có những tháng năm đầy ý nghĩa ở mảnh đất này. Tôi có ngày trở lại nơi đây là nhờ sự hy sinh của đồng chí, đồng đội năm xưa…”, đứng dưới rặng tếch già bên đồi A1, ông Vụ nghèn nghẹn nói. Lần nào cũng vậy, ông trở về Điện Biên với bộ quân phục cũ nhưng chỉnh tề, mũ gắn sao, huân huy chương lấp lánh trên ngực áo. 

Điện Biên hôm nay đã đổi thay nhiều. Những con đường trở về chiến trường xưa không còn chông gai bom đạn mà đã phẳng lỳ trong mùa ban khoe sắc. “Lớp thép gai chằng chịt bên giao thông hào giờ chỉ còn một đoạn tượng trưng, những chiếc xe tăng chiến tích ở ngoài đồng đã được xây bệ, nhà che bảo quản, những trận địa pháo đã dựng bia đá in bản đồ trận đánh của từng đơn vị”, ông Vụ tự hào chỉ vào từng nơi chiến trường xưa.  

Giờ những cái tên Độc Lập, A1, Him Lam đã trở thành khu phố ôm quanh nghĩa trang quốc gia. 60 năm, lòng đất Điện Biên còn giữ lại xương máu của biết bao nhiêu người con ưu tú. Chẳng thể biết chính xác con số là bao nhiêu bởi có những liệt sỹ giờ đây còn chưa tìm được thân nhân. Nơi các anh nằm giờ là điểm du lịch về nguồn hút khách trong nước và quốc tế. Trong đó, nghĩa trang Độc Lập lớn nhất với 2.342 phần mộ, trong đó số liệt sỹ đã biết tên không nhiều. Nghĩa trang đồi A1 có 664 phần mộ và nghĩa trang Him Lam có 896 phần mộ gần như trắng tên, trắng số. Đó là chưa nói đến những chiến sỹ còn đang nằm trong hầm hào, và những chiến sỹ rải rác trên cánh đồng Mường Thanh... hay ở đâu đó trên chiến trường này. Nhưng các anh đang được đất mẹ Điện Biên ôm trong lòng. Các anh đã chiến đấu và ngã xuống để tuổi thanh xuân mãi mãi dừng lại với mùa ban đỏ. 

Chị Lò Thị Lịch cắt tỉa hoa trong nghĩa trang Độc Lập

Tri ân thầm lặng

“Tôi nhớ nhất ngày mùng 1 Tết năm 2013, khi ấy tôi bận việc gia đình nên không về đây kịp. Lòng cồn cào như có điều gì hối thúc mà không diễn tả nổi. Tôi chợt giật mình, liệu có phải ngày hôm nay mình chưa kịp vào với các cụ nên có cảm giác lạ thế hay không. Thế là tôi lấy xe phóng vào, đi ngang dọc những hàng bia mộ một hồi, nhặt những lá rơi sau đó thắp hương các cụ rồi ra về. Từ lúc bấy giờ trở đi tôi thấy nhẹ nhõm, cảm giác trước đó tan biến…”, chị Lò Thị Lịch ở bản Hon Éng, phường Mường Thanh bồi hồi. Chị Lịch là người Thái, làm việc tại nghĩa trang Độc Lập đã được 6 năm. Trước đây, chị làm ở nghĩa trang Him Lam. Quanh năm công việc chỉ gần gũi anh linh của chiến sỹ Điện Biên, chị chia sẻ: “Tôi là người nhát lắm. Thế nhưng chẳng hiểu tại sao, chưa một lần có cảm giác sợ hãi, kể cả nhiều hôm chiều muộn và đêm khuya vẫn thấy như ở nhà”. Giọng người phụ nữ Thái nhẹ nhàng, sự tôn kính ẩn trong câu chuyện, mỗi khi chị nói về nơi này là lại dùng từ “trở về”. 

Trong nghĩa trang Độc Lập rộng mênh mông, hun hút tầm mắt chỉ có những bia mộ và hoa ban trắng. Hàng cây đại già mùa này rụng lá trổ hoa, mẫu đơn, bách nhật sắc tím dẫn lối thẳng hàng kế bên những ánh sao trên phần mộ nắng chiếu vào lấp lánh. Tôi cầm nén nhang tìm mộ người thân, nhưng do lâu không đến nên chỉ nhớ khu vực chứ vị trí chính xác thì lơ mơ. Đang ngẩn ngơ tìm kiếm, chị Lịch hỏi: “Cụ quê ở đâu?”. “Dạ, Thủy Nguyên, Hải Phòng”, tôi đáp. Thế thì ở thẳng hàng cây đại đi ra, hàng thứ 2 tính từ cuối cùng ngược lại, ngôi số 2, hay số 3 thì phải”, chị Lịch tường tận. Đúng hướng dẫn của chị Lịch, tôi đã tìm được và thắp nén hương.       

Nghĩa trang Độc Lập ngày thường cũng luôn có người thăm viếng, nhưng những ngày gần đến kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, từng dòng người nườm nượp vào ra, khói hương vương vấn trên tay người đi xa trở về. Người quản trang Vương Xuân Thấm bận bịu xếp lịch cho từng đoàn, nên chuyện trò bị đứt quãng liên tục. Câu được, câu chăng, ông cho biết:  “Mình sinh sau đẻ muộn chẳng được vinh dự như các cụ chiến đấu giải phóng Điện Biên nên mình xây dựng Điện Biên bằng việc làm cụ thể. Tôi làm ở đây đã được 14 năm rồi, chưa nhớ hết tên từng mộ nhưng cũng biết mang máng ở vị trí nhất định”. Hiện nghĩa trang Độc Lập có 5 người thay phiên trông nom, săn sóc hàng ngày. “Công việc của tôi là hàng ngày quét dọn lá khô nơi các cụ nằm, thế nhưng tôi cảm thấy rất tự hào vì được làm việc ở nơi thiêng liêng nhất vùng đất Tây Bắc”, chị Hoàng Thị Hồng Minh. Chị Minh cũng là 1 trong 5 người làm việc tại nghĩa trang Độc Lập. Công việc là công việc, thế nhưng với những người gắn bó ở nơi này, họ cảm thấy nhẹ lòng khi được dùng cách đó tri ân những anh hùng đã hy sinh giải phóng Điện Biên.