“Bắt nạt” bị cáo
(ANTĐ) - Mới đây, TAND tỉnh Hà Tây mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kẻ trộm bị chết tại ứng Hòa, Hà Tây, song điều tôi muốn nói đến ở phiên tòa này chính là văn hóa xét xử, văn hóa trong việc thẩm vấn, tranh tụng giữa những người tiến hành tố tụng đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng .
Đầu tiên là việc ông Chủ tọa phiên tòa, thẩm vấn nhân chứng, nhân chứng trả lời thì vị chủ tọa lại bảo: “Từ nãy đến giờ ông nói hơi nhiều rồi đấy”. Vậy thưa ông chủ tọa, nói thế nào là... đủ. Tiếp đó, ông chủ tọa lại yêu cầu thẩm vấn vợ bị cáo. Chị này khai rằng do bị một anh CAH ứng Hòa bảo phải khai rằng chồng chị đánh người vì: “Nếu tôi khai như thế thì chồng tôi mới sớm được thả ra, nếu không thì tôi cũng phải vào tù, tôi mà vào tù thì ai nuôi con tôi, ai nuôi mẹ chồng tôi, vì tôi sợ công an nên tôi đã khai theo họ”. Nghe xong vị này thủng thẳng buông một câu rất mát mẻ rằng: “ừ, trông chị là biết chị sợ công an rồi”. Vậy thưa quý tòa, việc xét xử căn cứ vào pháp luật, căn cứ vào những tình tiết của vụ án, hay là chỉ “xem tướng” là biết được?
Ngoài vị chủ tọa, HĐXX còn có hai vị hội thẩm, một vị thì ngồi từ đầu đến cuối, hết dựa lưng vào ghế, lại nhổm dậy. Vị này chắc chỉ thể hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong phần nghị án nên không ai nhìn thấy, chứ còn trong phần thẩm vấn và tranh tụng tại tòa thì không thấy vị ấy tham gia, mà hình như chỉ ngồi cho đủ... đội hình. Vị hội thẩm còn lại thì có hỏi bị cáo một câu tại tòa, sau đó tuyên bố xanh rờn trước bàn dân thiên hạ rằng “bị cáo mất hết tính người”. Vụ án còn đang xét xử, và một người chỉ bị coi là có tội khi bản án của tòa có hiệu lực cơ mà, sao các vị quan tòa cứ tùy tiện nói năng như vậy?
Chưa hết, khi thẩm vấn bị cáo, vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa lại hỏi bị cáo rằng: “Anh làm thế, anh có nghĩ đến vấn đề tâm linh không?”. Thật là không biết còn phải nói gì nữa. Tưởng rằng chỉ xem xét hành vi của bị cáo thông qua quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức thôi, bây giờ đại diện VKS lại xem xét đến cả “quy phạm tâm linh”.
Đấy là còn chưa nói đến chuyện công tác “âm thanh ánh sáng” tại phiên tòa chưa được đảm bảo, chủ tọa nói nghe còn rõ, chứ bị cáo trả lời, chả hiểu sao loa cứ bập bà bập bõm. Mấy người nông dân ứng Hòa tham dự phiên tòa bảo: “Loa của tòa chán quá, chẳng bằng loa của trung tâm văn hóa xã mình...”.
Dám chắc rằng chuyện các vị quan tòa hỏi theo kiểu buộc tội, hỏi theo kiểu “bắt nạt” bị cáo hiện nay không phải là ít ở các phiên tòa hình sự, nếu không muốn nói là khá phổ biến. Chúng ta đang thực hiện cải cách tư pháp, mà một trong những vấn đề cần cải cách ngay có lẽ là “Văn hóa phiên tòa”.
Đinh Kiều Nguyên