Bất hợp lý sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học

(ANTĐ) - “Tháng trước, khi đón con trai học lớp 5 từ trường về, cháu liên tục đặt những câu hỏi khiến tôi ngạc nhiên: “Tinh trùng, trứng, thụ tinh là gì hả mẹ. Hôm nay lớp con học bài đó, con không hiểu, hỏi cô giáo thì cô bảo về nhà hỏi mẹ”... Tôi ngớ ra không biết trả lời con thế nào. Xem sách giáo khoa (SGK) bộ môn Khoa học lớp 5 thì thấy sách đề cập vấn đề này khá nhiều. Tôi và nhiều phụ huynh khác băn khoăn không biết việc giáo dục các kiến thức về giới tính như trong SGK cho các cháu trong độ tuổi này có là quá sớm!?”...

Bất hợp lý sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học

(ANTĐ) - “Tháng trước, khi đón con trai học lớp 5 từ trường về, cháu liên tục đặt những câu hỏi khiến tôi ngạc nhiên: “Tinh trùng, trứng, thụ tinh là gì hả mẹ. Hôm nay lớp con học bài đó, con không hiểu, hỏi cô giáo thì cô bảo về nhà hỏi mẹ”... Tôi ngớ ra không biết trả lời con thế nào. Xem sách giáo khoa (SGK) bộ môn Khoa học lớp 5 thì thấy sách đề cập vấn đề này khá nhiều. Tôi và nhiều phụ huynh khác băn khoăn không biết việc giáo dục các kiến thức về giới tính như trong SGK cho các cháu trong độ tuổi này có là quá sớm!?”...

Những hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa lớp 5 về quá trình thụ tinh và hình thành bào thai
Những hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa lớp 5 về quá trình thụ tinh và hình thành bào thai

Cần nhưng phải đúng cách

Trên đây là phản ánh của chị Trần Thị Hoa ở phố Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình. Chị Hoa còn cho biết: “Cũng trong sách Khoa học lớp 5, một số vấn đề khá phức tạp đã được đề cập như cơ thể được hình thành từ sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng, quá trình thụ tinh, thậm chí còn có bài nêu vấn đề “Cần làm gì để mẹ và em bé đều khỏe” nói về những điều cần cho phụ nữ mang thai”... Tôi nghĩ rằng, việc giáo dục giới tính cho các cháu là cần thiết và với độ tuổi học lớp 5 (11 tuổi) không phải là quá sớm song việc phân bổ, cách truyền tải với lượng kiến thức thế nào là vừa phải là điều cần phải xem lại. Cải cách nội dung SGK là tốt song cần đưa vào đó những kiến thức sát thực, loại bỏ kiến thức không phù hợp, không nên quá đà”...

Còn anh Vũ Quốc Hùng ở phố Kim Mã, phường Kim Mã thì bức xúc: “Con tôi học lớp 6. Ngày nào có tiết học bộ môn Công nghệ và kinh tế gia đình cháu đều tỏ ra rất uể oải, chán nản. Tôi hỏi thì cháu nói không hiểu nội dung bài học. Tôi mở sách ra đọc thì thấy lý giải của cháu cũng có cơ sở. Cuốn sách này gồm 4 chương, đề cập đến các vấn đề rất chi tiết như may vá, thêu thùa... nhưng khó có thể ứng dụng được cho các em nhỏ. Một số phụ huynh, học sinh còn phàn nàn về chương trình trong SGK môn GDCD lớp 10 hơi nặng, gây quá tải cho học sinh và giáo viên.

Toàn bộ chương trình nêu nội dung cơ bản của hệ thống lý luận Triết học theo quan điểm duy vật, phương pháp luận biện chứng về tự nhiên, xã hội, tư duy, bao gồm các phạm trù của chủ nghĩa Duy vật biện chứng và chủ nghĩa Duy vật lịch sử, như: “Vật chất”, “phát triển”, “tồn tại xã hội”, “ý thức xã hội”, quan điểm Triết học duy vật, duy tâm, biện chứng... Với chương trình này, sinh viên chuyên ngành Triết học phải học ròng rã suốt 2 năm đầu. Sinh viên những ngành khác khi học môn Triết học, cũng chỉ yêu cầu hiểu và nắm được nội dung cơ bản như vậy.

Do đó, với học sinh lớp 10 đã phải học lý luận trừu tượng, với những thuật ngữ mang ý nghĩa đấu tranh về quan điểm, lập trường như vậy gây “quá tải” đối với học sinh? Lẽ ra với môn “Giáo dục công dân”, các em phải được học cách làm một công dân Việt Nam tốt, hiểu thuần phong mỹ tục, sống có trách nhiệm với gia đình, với chính mình thì sẽ bổ ích và có tác dụng giáo dục tốt hơn...

Sách GDCD lớp 10 và sách Khoa học lớp 5 đang khiến nhiều bậc phụ huynh và học sinh lo lắng vì lượng kiến thức quá tải với các em

Sách GDCD lớp 10 và sách Khoa học lớp 5 đang khiến nhiều bậc phụ huynh và học sinh lo lắng vì lượng kiến thức quá tải với các em

Học sinh đối phó, giáo viên căng thẳng

Tiếp xúc với nhiều học sinh bậc THPT, hầu hết các em đều không hứng thú với môn GDCD. Với Nguyễn Văn Toàn - học sinh lớp 10 trường THPT X, tiết GDCD là tiết... xả hơi. Theo Toàn, một số bạn trong lớp cứ đến tiết này là ngủ, hoặc xin nghỉ... ốm vì thấy chẳng tiếp thu được gì. “Các kiến thức về Triết học không thiết thực đối với chúng em, nó quá cao siêu và xa rời thực tế. Các thầy cô khi giảng đến những bài này không lấy ví dụ dễ hiểu để minh họa nên thường xuyên xảy ra tình trạng thầy đọc học sinh chép mà chẳng hiểu gì, rất lãng phí thời gian của cả thầy và trò...” - Toàn than thở.

“Không thể phủ nhận rằng môn GDCD có tác dụng đào tạo con người một cách tích cực, là trụ cột để hình thành nhân cách học sinh. Tuy nhiên, nhiều học sinh và phụ huynh cho đây là môn phụ nên không nghiên cứu kỹ sách vở, không tập trung nghe giảng. Bên cạnh đó, ngay từ đầu lớp 10 chương trình đã đưa vào các kiến thức về Triết học là rất khó để giảng dạy và học. Nếu đưa lượng kiến thức này vào cuối lớp 10 hoặc chuyển sang chương trình lớp 11 thay vào đó là những kiến thức về giáo dục đạo đức thì học sinh sẽ dễ tiếp thu hơn.

Hơn nữa, sự phân bổ chương trình không phù hợp khiến mức độ dạy và học của môn GDCD trong nhà trường không được như những nhà viết sách mong muốn...”. Đây là quan điểm của một số giáo viên dạy bộ môn GDCD ở nhiều trường THPT. Tuy nhiên, một số giáo viên cũng cho rằng đây là môn học mang ý nghĩa giáo dục nhân cách học sinh nên để nhìn nhận thấu đáo mặt tích cực phương pháp luận mà những người biên soạn muốn truyển tải tới các em vào thời điểm này e rằng chưa thể nói gì nhiều…!

Song không ít giáo viên cũng đưa ra quan điểm: “Nếu dập khuôn theo SGK thì môn GDCD là môn rất khô cứng, khó hiểu, đồ dùng dạy học ít, tranh ảnh minh họa cũng không nhiều. Để những tiết học bộ môn này thực sự có hiệu quả, giáo viên phải tự chuẩn bị và sưu tầm tài liệu, dẫn dắt vấn đề, đưa kiến thức tình huống từ cuộc sống vào giờ học để bài giảng được sinh động. Trong giờ GDCD, học sinh cần được bày tỏ ý kiến chủ quan của mình gắn với từng bài học, coi giáo viên như một người bạn, nếu có vướng mắc là hỏi ngay không ngại. Giáo viên cần có cách gợi mở đối với mỗi bài học để học sinh chủ động”...

SGK phải có tính định hướng, sát với đối tượng giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, mang tính tương đối ổn định. Những người viết sách không chỉ là những nhà khoa học có học vị cao mà phải trải qua quá trình giảng dạy thì mới có kiến thức thực tế và cái nhìn toàn diện, khoa học về vấn đề mà mình định viết. Có như vậy, lượng kiến thức được đề cập trong SGK mới được truyền tải có hiệu quả đến với học sinh qua các giáo viên, phát huy tác dụng tối đa trong  việc giáo dục nhân cách, trí tuệ cho các em...

Huệ Anh - Ngọc Hân