Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động

ANTĐ - Điều 53 Hiến pháp quy định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

Đảm bảo cơ hội việc làm 

Lao động là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Công dân có sức lao động phải được làm việc để duy trì sự tồn tại của bản thân và góp phần xây dựng xã hội, thực hiện các nghĩa vụ của họ đối với những người xung quanh trong cộng đồng. Giải quyết việc làm, đảm bảo cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Theo đó, người lao động phải thực hiện một nội dung công việc nào đó, còn bên sử dụng sức lao động phải trả công, hoặc trả lương và đảm bảo những điều kiện lao động cần thiết khác cho người lao động. Hợp đồng lao động là hình thức pháp lý chủ yếu và phổ biến nhất của các quan hệ lao động. 

Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, những quy định mới của Hiến pháp trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động thể hiện mục tiêu xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp nhằm hướng tới sự tiến bộ, đảm bảo lợi ích người lao động, lợi ích nhà đầu tư và lợi ích của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Theo đó, quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động là sự cân đối giữa các yếu tố về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Mục đích hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp là lợi nhuận, mục đích của người lao động là lợi ích, tiền công, tiền lương và các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật, được trả công tương xứng với thành quả lao động đã đạt được. Các bên cần có quan hệ gắn kết với nhau để đều đạt được mục đích của mình theo hướng phù hợp nhất.

Quan hệ lao động chỉ thật sự tiến bộ, lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển khi mục tiêu và lợi ích các bên được đảm bảo và ngày càng thỏa mãn. Người sử dụng lao động ngày càng quan tâm hơn đến chế độ cho người lao động, như tiền thưởng, phụ cấp, các khoản hỗ trợ..., chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, có chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn, luôn ứng xử có văn hóa. Ngược lại, người lao động cùng công đoàn cơ sở sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, có ý thức làm việc với tinh thần trách nhiệm, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

Xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định

Tại Điều 57 Hiến pháp quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân khẳng định, điều này cho thấy việc đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng cho người lao động như việc làm, thu nhập, thời gian làm việc của người lao động ổn định, không có biến động đáng kể về sản xuất, kinh doanh, hợp đồng đặt hàng, số lượng, cơ cấu công nhân của doanh nghiệp là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Việc duy trì trạng thái cân bằng về lợi ích, giảm thiểu mâu thuẫn phát sinh, các bên luôn lựa chọn hợp tác, thương lượng là trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động. Theo đó, bất kỳ mâu thuẫn nào xảy ra phải được giải quyết trên sự hài hoà giữa các bên, tạo ra một quan hệ lành mạnh, đưa doanh nghiệp phát triển, không ngừng nâng cao thu nhập đời sống cho người lao động.