Bảo quản thực phẩm đúng cách để tránh độc tố gây hại cho sức khỏe

ANTD.VN - Thực phẩm không được bảo quản đúng cách trong tủ lạnh có thể mang theo độc tốc gây hại cho sức khỏe.

Bảo quản thực phẩm đúng cách để tránh độc tố gây hại cho sức khỏe ảnh 1

Hải sản

Hải sản cung cấp cho cơ thể rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng nếu món ăn này được chế biến và để quá lâu, không những làm mất đi hương vị thơm ngon tự nhiên của hải sản mà còn ảnh hưởng đến gan, thận. Đối với các loại tôm, cua, cá nếu để qua đêm chất protein có trong chúng dễ chuyển hóa thành độc tố gây hại cho cơ thể.

Món nộm, gỏi

Đối với các món nộm và gỏi không cần dùng đến nhiệt độ để làm chín, chính điều này đã làm cho các loại vi khuẩn và ký sinh trùng dễ dàng phát triển. Đặc biệt, nếu bạn để món ăn này qua đêm, ngay cả khi để trong tủ lạnh thì các loại vi khuẩn cũng phát triển gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Rau đã nấu chín

Rau xanh là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ cần thiết cho cơ thể. Khi rau được nấu chín vốn đã giảm đi một lượng vitamin đáng kể, nếu bạn để qua đêm thì những vitamin hoàn toàn biến mất. Ngoài ra, hàm lượng muối nitrate có trong rau trong quá trình bảo quản các vi khuẩn sẽ chuyển hóa thành muối nitrit gây hại cho cơ thể.

Chế phẩm từ đậu

Đậu phụ cũng như các chế phẩm được làm từ đậu thường có hàm lượng nước tương đối cao, hàm lượng protein và các dưỡng chất khác có trong đậu phụ là nguồn nuôi dưỡng dồi dào cho các vi sinh vật. Đậu phụ khi để quá lâu ngoài môi trường sẽ dễ sinh ra nhiều mầm bệnh nguy hiểm, trong số đó có vi khuẩn clostridium botulium. 

Món canh

Với những món canh chỉ nên lưu giữ trong khoảng thời gian từ 5-6 giờ, nếu như để quá lâu sẽ sinh ra các độc tố, cho dù chúng ta có thể đun nấu lại thì những độc tố này cũng không bị mất đi.

Khoai lang, khoai tây 

Khi được bảo quản trong tủ lạnh, tinh bột khoai tây sẽ bị chuyển hóa thành đường. Trong quá tình chế biến, đường từ khoai tây kết hợp với axit amin asparagin tạo thành hợp chất hóa học acrylamide, một trong những nguyên nhân gây ra ung thư. 

Các loại hạt

Hầu hết các loại hạt như lạc, vừng… đều chứa dầu, rất tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên, chất này lại khiến chúng không cất trữ được lâu. Nếu các loại hạt được đựng trong hộp kín và để trong tủ lạnh, chúng ta sẽ bảo quản được trong vòng 1 năm.

Trứng

Bạn không nên bảo quản trứng ở các khay trứng trong cánh cửa tủ lạnh. Thay vào đó, hãy cất trứng ở phần lạnh nhất trong ngăn mát ở tủ lạnh. Bởi cánh cửa tủ luôn bị mở vào mở ra, nhiệt độ luôn thay đổi làm giảm chất lượng của thực phẩm và khiến trứng bị nhiễm khuẩn.

Cà chua

Bạn không nên lưu trữ cà chua ở trong tủ lạnh, bởi thiết bị điện tử này làm cà chua dễ dàng mất hương vị và nhanh chóng bị hỏng. Bạn nên đặt cà chua trong một chiếc hộp lót giấy báo và bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh nhiệt và ánh sáng.

Tỏi

Cũng giống như khoai tây, tỏi cũng nên được bảo quản trong túi giấy để ở nơi không có ánh sáng và mát mẻ. Bạn cũng có thể xay nhuyễn tỏi, sau đó trộn với ít nước và cho vào ngăn đá để cấp đông.

Hành tây

Bạn nên lưu trữ toàn bộ hành tây ở nơi mát mẻ, khô ráo, tối và lưu thông không khí tốt. Đừng bảo quản hành tây trong túi nilon, để trước cửa sổ hoặc trong tủ lạnh.

Nguyên tắc bảo quản thực phẩm

Không tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh. Khi tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, không khí bên trong không thể lưu thông, dẫn đến tình trạng nóng lên tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển.

Không để thịt quá lâu. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nên để thịt trong ngăn đá tủ lạnh khoảng 1 tuần. Còn nếu để trong ngăn mát thì chỉ nên 2 ngày. Với thịt đã qua chế biến thì có thể để được 3 - 5 ngày. Thịt không bảo quản trong ngăn đá mà để ở ngăn lạnh quá lâu cũng sẽ phát sinh các vi khuẩn gây hại, ăn mòn dinh dưỡng trong thịt và làm mất hết hương vị của thịt.