Bảo quản thực phẩm an toàn ngày Tết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày Tết, nhiều gia đình tích trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Để bảo đảm thực phẩm luôn tươi ngon, an toàn cho sức khỏe, các bà nội trợ cần chú ý cách bảo quản đối với từng loại thực phẩm.

Nguyên tắc bảo quản thực phẩm

Sơ chế trước khi lưu trữ: Việc làm sạch rau và bảo quản trong tủ lạnh là cần thiết, tuy nhiên, bạn cần lưu ý để ráo nước trước khi cất vào tủ, tránh tình trạng rau bị đọng nước, nẫu và ủng. Với thịt, cá sống, cũng cần sơ chế sạch trước khi bảo quản.

Bảo quản thực phẩm sống: Đối với các loại thịt sống thì cần được giữ đông ở ngăn đá của tủ lạnh để bảo quản lâu hơn, đồng thời cũng phòng tránh việc có thể lây nhiễm vi khuẩn sang thực phẩm khác.

Bảo quản thực phẩm chín: Các loại thực phẩm chín hoặc các món ăn chuẩn bị sẵn, bạn nên để thức ăn nguội hẳn mới cho vào hộp đựng thực phẩm và giữ lạnh trong tủ. Nên bảo quản thực phẩm chín bằng các hộp đựng thực phẩm chuyên dụng, tránh để thực phẩm chín tiếp xúc với các loại thực phẩm khác, trước khi ăn nên nấu lại để bảo đảm vệ sinh.

Rã đông đúng cách: Khi lấy thực phẩm từ trong tủ lạnh, chúng ta thường có thói quen cho vào nước nóng để làm tan đá, làm lãng phí chất dinh dưỡng bởi vì tế bào bị vỡ ra, thoát ra ngoài cùng nước, làm giảm chất dinh dưỡng. Bạn nên cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.

Để đảm bảo được dinh dưỡng có trong thực phẩm, bạn cần bảo quản thực phẩm an toàn, đúng cách

Để đảm bảo được dinh dưỡng có trong thực phẩm, bạn cần bảo quản thực phẩm an toàn, đúng cách

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Bánh chưng, bánh tét. Vào những ngày Tết, bánh chưng hay bánh tét thường được mọi nhà bảo quản trong tủ lạnh, tuy nhiên khi bảo quản ở nhiệt độ lạnh bánh chưng, bánh tét sẽ dễ bị “lại gạo”, vì vậy ta nên bảo quản ở nơi thoáng mát. Để bảo quản bánh tốt, đầu tiên là bạn cần vớt bánh ra và rửa sạch lớp lá ngoài bằng nước lạnh cho hết nhựa rồi để ráo. Sau đó, xếp bánh thành nhiều lớp rồi dùng mâm hoặc vật nặng đè lên và ép cho nước ra bớt, sẽ giúp bánh chắc và mặt bánh bằng phẳng hơn. Cuối cùng treo bánh chỗ khô thoáng, không ẩm ướt.

Các loại mứt hoặc trái cây khô. Các loại mứt hay trái cây khô là món ngọt không thể thiếu ở mọi nhà vào dịp Tết, tuy nhiên chúng thường dễ chảy nước và kiến bò. Và nhiều người nghĩ rằng bảo quản mứt trong tủ lạnh sẽ tốt hơn nhưng độ ẩm trong tủ sẽ làm mứt dễ bị mốc hơn. Để bảo quản tốt mứt và trái cây khô bạn cho chúng vào hũ thủy tinh và đậy kín, dùng bao nhiêu thì lấy ra bấy nhiêu và tuyệt đối không bỏ lại hũ khi dùng không hết.

Dưa hành, củ kiệu. Dưa hành, củ kiệu là món ăn kèm trong ngày Tết. Khi cắt gốc, bạn nên tránh cắt vào phần củ và sau khi rửa sạch phải để thật ráo, nếu ẩm sẽ dễ bị hư khi ngâm. Nên đun sôi nước để ngâm củ hành, củ kiệu, lưu ý là pha muối lượng vừa đủ. Khi ngâm bạn có thể phơi nắng hũ củ hành hay củ kiệu để nó giòn hơn và có thời gian bảo quản lâu hơn. Bạn có thể cho dưa, hành kiệu vào hộp đậy kín vào ngăn mát tủ lạnh.

Giò chả. Giò chả là thực phẩm dễ ôi thiu, bạn có thể bảo quản được 5 - 7 ngày trong ngăn mát. Ngoài ra, bạn cũng cho được chả vào ngăn đông sẽ bảo quản được lâu hơn (nửa tháng đến 1 tháng), tuy nhiên sau khi rã đông nên luộc, hấp, chiên, rán lại trước khi ăn để giò chả đảm bảo được độ dai, giòn như ban đầu. Nếu không bạn có thể bảo quản nơi khô thoáng, bạn bỏ lớp vỏ ngoài và đậy bằng rổ thoáng, tránh gió.

Thịt đông. Với món này, nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn.

Măng khô. Khi bạn nấu những món có măng khô thì nên luộc đủ dùng trong 1 - 2 ngày. Để sử dụng măng được lâu và an toàn bạn thực hiện như sau: Rửa sạch măng khô, cho vào nồi đun sôi 30 phút, thêm ít muối và trái ớt bẻ đôi, giúp loại bỏ độc tố trong măng, nên lưu ý là không đậy nắp khi luộc măng. Sau đó, vớt ra và rửa ngay bằng nước lạnh. Cuối cùng, chỉ cần dùng nước đun sôi hoặc nước gạo ngâm để dùng dần. Nếu dùng không hết, có thể cho vào hộp, túi để vào ngăn mát tủ lạnh dùng được trong 1 - 2 ngày.

Trái cây và rau quả. Khi bảo quản trong tủ lạnh, nên để riêng rau củ và hoa quả. Chỉ nên cắt, gọt vỏ trái cây vừa đủ dùng trong 1 bữa, không nên gọt quá nhiều sẽ làm quả bị thâm đen, héo, mất chất.

Thực phẩm nấu chín. Đối với thực phẩm nấu chín như thịt kho, cá kho... bạn để nguội và cho vào hộp đậy kín, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Đồ ăn chín được đậy kín sẽ không bị khô, lẫn mùi hoặc lây nhiễm vi sinh gây hư hại sang thực phẩm khác.

Thực phẩm tươi sống. Thịt cá tươi sống cần được cho vào hộp hoặc bao bì nilon và bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh. Khi sử dụng các loại thực phẩm này, bạn cần lưu ý bảo quản thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín ở ngăn khác nhau, nên hạn chế cấp đông thực phẩm lần 2 và chỉ nên sử dụng thực phẩm đông lạnh tối đa trong 4 ngày.