Báo hiếu

ANTĐ - Tháng Ngâu cũng là mùa Vu Lan báo hiếu. Dương băn khoăn đứng trước cửa chùa, bước vào bên trong, anh sẽ được cài lên bông hồng màu gì đây - đỏ hay trắng? Hồng đỏ cho những ai còn mẹ, anh không nhận mẹ sẽ nhận về mình hoa hồng trắng ư? Mục Thanh Liên còn xuống tận  hỏa ngục tìm mẹ, còn anh, mẹ chỉ ở cách có 350km mà sao xa đến vậy. Lẽ đời là thế, cha mẹ thừa bao dung nhưng con cái thì sẵn sàng buông tay nếu đấng sinh thành phạm sai lầm.

Bà Ánh mắt nhìn vô định qua song cửa. Sai lầm của cuộc đời bà đã bị trả giá bằng sự từ bỏ của người con trai duy nhất. Là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, bà không chỉ nhận được sự nuông chiều từ bố mẹ mà còn cả các anh chị lớn trong nhà. Học hành không đến nơi đến chốn trong khi cả nhà, kể cả bố mẹ đều tốt nghiệp đại học và có những công việc tử tế, thậm chí là lãnh đạo. Tốt nghiệp cấp ba, không thi đỗ vào một trường nào kể cả trung cấp. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, phong trào xuất khẩu lao động như một trào lưu gõ cửa từng nhà. Với điều kiện như gia đình bà Ánh, một suất đi nước ngoài dễ như trở bàn tay. Bà muốn đi, gia đình đồng ý để bà có cơ hội thay đổi số phận. Ai cũng mong bà có hạnh phúc. 

20 tuổi đã đến Đức, gia đình không khó khăn để bà phải lao động cật lực như những người khác mong tiết kiệm chút ít  gửi về cho gia đình. Nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người, kiếm được tiền bà cũng lao vào vui chơi với thanh niên bản xứ. Cái tật bóc ngắn cắn dài như hồi còn ở nhà bà không bỏ được. Tiếng là đi xuất khẩu lao động, nhưng ngược lại với những người khác, gia đình thường xuyên phải gửi tiền sang để thanh toán cho những khoản nợ. Rồi bà cũng gặp một người đàn ông, cũng may là người tốt. Ông hết lời khuyên nhủ bà tu chí làm ăn. Hai người làm đám cưới, sinh ra Dương nơi xứ người. Có con, bà thay đổi nhiều, hai vợ chồng tích cóp được một khoản tiền gửi về cho anh chị ở nhà giữ hộ. Năm tháng khó khăn qua đi, hai vợ chồng quyết định trở về Việt Nam sau hơn 10 năm ở nước ngoài. Khi về nước, vợ chồng bà có sẵn một cơ ngơi nhờ số tiền gửi về. Rồi nhờ quan hệ của gia đình, không như những người đi xuất khẩu lao động khác, vợ chồng được vào làm việc trong một cơ quan Nhà nước. Cuộc sống thế cũng gọi là tạm đủ, không giàu nhưng cũng không quá khó khăn trong thời buổi “gạo châu củi quế”. Bà sinh thêm một cô con gái, nếp tẻ đủ cả.

Nhìn vào gia đình bà, người ta thấy hiện lên hai chữ hạnh phúc. Sự chở che của người mẹ, của anh chị trong nhà với sự lớn lên của hai đứa con đã nuôi dưỡng gia đình ấy không mệt mỏi. Nếu bà Ánh bằng lòng với hạnh phúc nhỏ bé ấy đã không có gì để nói. Sự viên mãn đã khiến thú ăn chơi trong bà trỗi dậy. Bà không còn trẻ để nay vũ trường mai quán bar như hồi 20 tuổi, nơi bà muốn đến bây giờ là các trung tâm mua sắm, các spa để chăm sóc sắc đẹp, mà muốn bước chân vào cuộc sống của những người vương giả. Có chút vốn liếng bà bắt đầu tìm hướng kinh doanh. Một số đối tượng xấu đã nhìn thấy ở bà "khả năng tiềm tàng". Bọn chúng dụ bà cho chúng vay tiền với lãi suất cao. Hám lợi, bà mang  tiền nhà đi đã đành, còn gom của gia đình, cơ quan với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng. Gom được tiền, lũ lừa đảo "bùng" mất để lại cho bà một khoản nợ mà cả cơ nghiệp nhà bà cũng không thể đủ để trang trải. Chỉ đến khi những con nợ đầu tiên đập cửa, không có ai dang tay giúp đỡ, bà mới tá hỏa, tìm cách chạy trốn. 

Chồng bà không hề hay biết những việc làm của vợ. Ông bàng hoàng nhưng rồi tìm cách gượng dậy. Sốc nhất là những đứa con. Dương không chấp nhận một người mẹ chỉ vì toan tính cá nhân mà đẩy gia đình vào cảnh lao đao. Trong một cơn sốc nổi, anh đã tuyên bố mà chính anh không biết là sai lầm: Tôi không phải con của ông bà, chuyển đến ở nhà người bác ruột để xin làm con nuôi. Đứa con gái thứ hai cũng bê trễ học hành, nó buộc phải chuyển vào Nam ở với một người bác khác để yên ổn học tập, dù gì năm nay cũng bước vào lớp 10.

Bà Ánh tìm đủ mọi cách để thoát nợ. Số tiền 9,6 tỷ đồng đủ để người ta đưa bà ra tòa. Rồi bà như điên dại, có người bảo bà phải giả điên để hy vọng với sự khoan hồng của pháp luật, bà không phải ngồi tù, nhưng có người lại bảo bà điên thật, bà bị điên vì những tội lỗi của mình, bà điên vì sự cô đơn, điên nỗi khắc khoải nhớ con. Bên bà giờ không còn ai, người chồng dù sẵn sàng tha thứ nhưng không thể với người điên. 

Rằm tháng Bảy, bà mong năm nay, con trai bà sẽ đến.