Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Bộ Y tế điều chỉnh viện phí chưa hợp lý

ANTD.VN - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Thông tư 15 mà Bộ Y tế vừa ban hành để thay thế cho thông tư 37, trong đó điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ kỹ thuật y tế, tăng giá 9 dịch vụ… thực chất vẫn là “bình mới, rượu cũ”, có nhiều bất hợp lý, nhiều dịch vụ tuy đã giảm giá nhưng vẫn ở mức cao.

Nhiều dịch vụ chụp chiếu sẽ giảm giá mạnh, song theo BHXH Việt Nam thì vẫn còn cao

Như ANTĐ đã đưa tin, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc để thay thế cho Thông tư 37 hiện nay. Thông tư 15 có hiệu lực từ 15-7-2018, trong đó điều chỉnh giảm 70 dịch vụ kỹ thuật y tế (chủ yếu là giá khám bệnh, ngày giường, giá dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm), tăng giá 9 dịch vụ và bổ sung 9 dịch vụ kỹ thuật.

Tuy nhiên, mới đây BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo một số điểm bất cập trong Thông tư 15 của Bộ Y. Theo đó, BHXH Việt Nam cho rằng, Thông tư 15 có một số điểm chưa hợp lý, chưa cải thiện được những bất cập của Thông tư 37 mà hiện đang ảnh hưởng tới việc thực hiện chính sách BHYT.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) làm căn cứ xây dựng mức giá các dịch vụ y tế (DVYT) của Thông tư 37 chưa được khảo sát kỹ lưỡng tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Đặc biệt, định mức KTKT của nhiều dịch vụ được xây dựng không dựa trên quy trình chuyên môn, kỹ thuật (gần 70% DVYT chưa có quy trình kỹ thuật và không có định mức KTKT).

Nhiều giá DVYT được xây dựng cao, không phù hợp với khả năng cung cấp DVYT của hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến dưới, dẫn đến tình trạng tại nhiều bệnh viện chi phí vật tư y tế đề nghị thanh toán BHYT lớn hơn số thực tế xuất dùng.

BHXH Việt Nam dẫn ví dụ: dịch vụ Nội soi tai mũi họng có mức giá ban hành theo Thông tư số 37 là 203.000 đồng, tuy nhiên khi xây dựng lại mức KTKT, giá thực tế chỉ bằng xấp xỉ 50% mức giá nêu trên.

Thực tế, kết quả kiểm tra của cơ quan BHXH cho thấy tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh ở một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình... có sự chênh lệch hàng chục tỷ đồng về số lượng hóa chất, vật tư y tế, định mức nhân lực, thời gian thực hiện DVYT giữa thực tế sử dụng tại cơ sở KCB và định mức tính giá của Bộ Y tế.

Điểm bất hợp lý thứ hai mà BHXH Việt Nam chỉ ra là Thông tư số 37 mới xây dựng được mức giá cụ thể cho gần 1.000 DVYT, còn hàng nghìn dịch vụ khác được phiên tương đương. Nhiều dịch vụ do không có quy trình kỹ thuật chuyên môn nên việc phiên tương đương không chính xác dẫn đến chênh lệch lớn về chi phí so với thực tế. Trong khi đó, thông tư 15 chỉ điều chỉnh giá của 88 dịch vụ kỹ thuật trong số các dịch vụ nêu trên.

Điểm chưa hợp lý thứ ba là mức giá xây dựng chưa tương đồng theo chất lượng dịch vụ dẫn đến dịch vụ được cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đảm bảo chất lượng cũng có mức giá như dịch vụ cung ứng không đảm bảo chất lượng tại các cơ sở khác, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế, hạn chế quyền lợi của người bệnh và làm gia tăng chi phí bất hợp lý cho quỹ BHYT.

“Việc xác định không đúng định mức KTKT, xây dựng mức giá cao không phù hợp với thực tế làm tăng chi phí khám chữa bệnh bất hợp lý, giảm hiệu quả sử dụng quỹ BHYT và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT, thậm chí đã phát hiện một số biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại một số cơ sở khám chữa bệnh thời gian qua” – báo cáo của BHXH Việt Nam nêu rõ.

Điểm chưa hợp lý thứ tư trong Thông tư 15 của Bộ Y tế được BHXH Việt Nam chỉ ra là những điều chỉnh về thanh toán chi phí giường điều trị nội trú theo định mức nhân lực thực tế chưa thỏa đáng, trong đó Bộ Y tế đã tính toán giảm đơn giá tiền lương nhưng lại tăng số giường định mức.

Độ “mở” trong quy định này sẽ không hạn chế tình trạng bệnh viện cố tình kê thêm giường bệnh nội trú, chỉ để nhằm tăng cường đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, dẫn tới không đảm chất lượng điều trị người bệnh.