Bảo hiểm hưu trí bổ sung: Người lao động sẽ hưởng lương hưu cao hơn?

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, “Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở. Điều này hạn chế việc người lao động muốn được đóng thêm tiền để hưởng lương hưu cao hơn. Xây dựng khung pháp lý để triển khai quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là cởi trói quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp và người lao động có nhiều lựa chọn”. 
Bảo hiểm hưu trí bổ sung: Người lao động sẽ hưởng lương hưu cao hơn? ảnh 1

Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp tăng cường bảo đảm an sinh xã hội

Mang tính chất tự nguyện

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến hết tháng 6-2015, trên cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng với mức lương hưu bình quân 3,9 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, mức lương hưu này khó đảm bảo sinh hoạt thường ngày. 

Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, đảm bảo an sinh xã hội. Người lao động sẽ hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc hưởng một lần. Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 240 (tương ứng 20 năm hưởng lương). Mức hưởng một lần được xác định bằng toàn bộ số tiền tồn tích trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động sau khi đã trừ các khoản phí tính đến thời điểm hưởng.

Theo ông Phạm Minh Huân, xuất phát từ kinh nghiệm quốc tế và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, trước mắt bảo hiểm hưu trí bổ sung chỉ áp dụng với người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đang tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung phải thông qua người sử dụng lao động (người sử dụng lao động đóng một phần hoặc toàn bộ) để thể hiện trách nhiệm cũng như sự gắn kết trong quan hệ lao động, thu hút nhân tài, khuyến khích người lao động làm việc lâu dài cho doanh nghiệp.

Được ưu đãi vẫn lo khó thực hiện

Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là hoạt động mang tính phi thương mại, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, Nhà nước khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các ưu đãi trong chính sách thuế. Cơ chế tạo lập quỹ là từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. “Người sử dụng lao động đóng thấp hơn hoặc bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở. Các khoản đóng của doanh nghiệp và người lao động được miễn thuế thu nhập” - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.

Khác với BHXH, quỹ hưu trí tự nguyện tại các doanh nghiệp chủ yếu do đơn vị tự quản lý. Để khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung và tăng tính hấp dẫn của chính sách, dự thảo Nghị định quy định thêm một số hình thức đầu tư khác có khả năng sinh lời cao hơn, cụ thể: Trái phiếu Chính phủ; Chứng chỉ quỹ mở trái phiếu; Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; Các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng điều kiện do Bộ Tài chính quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu bảo toàn và tăng trưởng quỹ cũng như hạn chế rủi ro, dự thảo Nghị định cũng quy định tỷ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu Chính phủ trong tổng giá trị quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tại mọi thời điểm tối thiểu bằng 50%.

Theo điều tra của Bộ LĐ-TB&XH năm 2011 với gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, có 70% doanh nghiệp và tập đoàn được khảo sát mong muốn và sẵn sàng cho người lao động tham gia quỹ hưu trí bổ sung. Tuy nhiên khảo sát này đã được thực hiện khá lâu. Chị Nguyễn Bích Ngọc, chuyên viên thuế tại một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội chia sẻ, “Thực tế cho thấy, hiện hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ nộp bảo hiểm bắt buộc cho người lao động theo mức tiền lương tối thiểu, chứ không nộp trên lương theo hợp đồng lao động mà doanh nghiệp thực trả.

Nhiều doanh nghiệp còn đang nợ lương của công nhân, nợ tiền đóng BHXH bắt buộc thì làm sao tham gia thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện được”. Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, đến hết năm 2012, doanh nghiệp và cơ quan còn nợ đọng BHXH là 5.825 tỷ đồng. Số nợ tiền BHXH tính đến thời điểm 30-11-2014 là trên 7.800 tỷ đồng và đến hết tháng 6-2015 là gần 6.000 tỷ đồng.