Bảo hiểm có bồi thường nếu lái xe uống rượu bia gây tai nạn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những ngày đầu năm mới, tình trạng lái xe ngay sau khi sử dụng rượu bia diễn ra khá phổ biến và nhiều chủ phương tiện đã bị phạt nặng. Tuy vậy, điều khiến nhiều người băn khoăn là nếu uống rượu bia lái xe gây tai nạn có được bảo hiểm bồi thường?

Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trường hợp phương tiện đã có bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhưng người điều khiển phương tiện uống rượu, bia tham gia giao thông gây tai nạn cũng không được bồi thường.

Điều 13 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nêu rõ những trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại, gồm:

Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại;

Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;

Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe;

Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật…

Chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc đường thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt hành chính.

Chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc đường thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt hành chính.

Bên cạnh đó, theo pháp luật hiện hành, chỉ cần phát hiện có nồng độ cồn trong máu hoặc đường thở khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt hành chính.

Nghị định 100/2019 quy định, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông mà phát hiện có nồng độ cồn trong máu/khí thở có thể bị phạt đến 40 triệu đồng đối với ô tô và 8 triệu đồng đối với xe máy.

Trường hợp uống rượu, bia gây tai nạn, thiệt hại cho người khác thì người điều khiển phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 BLHS 2015.

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác gây thiệt hại cho người khác thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm. Trường hợp gây thương tích nặng/làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thiệt hại lớn trên 1,5 tỷ đồng thậm chí có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.