Báo động: Cứ 2 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp

ANTĐ -Nếu như cách đây 8 năm, cứ 4 người trưởng thành ở Việt Nam có 1 người bị tăng huyết áp thì hiện nay, số lượng người mắc chứng bệnh này đã tăng lên chóng mặt với tỷ lệ 2 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo giới thiệu dự án y tế cộng đồng “Tăng huyết áp- Sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên”, do Hội Tim mạch Việt Nam phôi hợp với Viện Nghiên cứu dược phẩm Servier Việt Nam tổ chức sáng 16-5, nhân kỷ niệm 20 năm Chương trình sinh hoạt y khoa Việt Pháp được thực hiện tại Việt Nam và Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới (17-5-2016).

GS.TS Nguyễn Lân Việt (ngồi giữa) trao đổi với báo chí tại buổi họp báo sáng 16-5

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, tỷ lệ người bị mắc tăng huyết áp ở nước ta đang tăng lên một cách nhanh chóng. Nếu như năm 2008, kết quả điều tra dịch tễ học tại 8 tỉnh/ thành phố của cả nước cho thấy tỷ lệ người dân (từ 25 tuổi trở lên) bị tăng huyết áp là 25,1% thì cuộc điều tra dịch tễ học mới nhất năm 2015 tại chính 8 tỉnh/ thành phố nói trên cho thấy, tỷ lệ các ca mắc bệnh tăng huyết áp ở người trên 25 tuổi đã tăng lên 47,3%, tương đương 20,8 triệu bệnh nhân.

Đáng chú ý, tỷ lệ những người bị tăng huyết áp nhưng chưa được phát hiện bao giờ rất cao, chiếm tới 39,1%. Khả năng mắc bệnh tăng huyết áp ở nam giới cao hơn nữ giới với tỷ lệ tương ứng là 56,4% và 42,6%. Đặc biệt, trong số 20,8 triệu bệnh nhân tăng huyết áp tại Việt Nam, chỉ có 17,7% (tương đương với 3,7 triệu người) kiểm soát được huyết áp của mình, 17,1 triệu bệnh nhân còn lại (chiếm hơn 82%) chưa được kiểm soát huyết áp đầy đủ; tỷ lệ người bị tăng huyết áp được điều trị đạt được huyết áp mục tiêu mới chỉ đạt 31,3%, trong khi còn tới 0,9 triệu người biết mình có bệnh nhưng không điều trị.

GS.TS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh, tăng huyết áp kéo dài sẽ dẫn đến biến chứng tim mạch nguy hiểm. Việc điều trị các biến chứng của tăng huyết áp yêu cầu nhiều thủ thuật can thiệt phức tạp như phẫu thuật tim bắc cầu, phẫu thuật động mạch cảnh và lọc máu… gây tốn kém rất lớn. Chi phí điều trị do nhập viện vì biến chứng của tăng huyết áp lớn hơn từ 2,5 lần so với việc điều trị tăng huyết áp trong cộng đồng.

Điều đáng lo ngại nữa là ngay chính các y bác sĩ cũng còn chủ quan với bệnh này. Vì vậy, dự án “Tăng huyết áp – Sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên” đặt mục tiêu hỗ trợ các bác sĩ có được những sự thuyết phục tốt hơn đối với các bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân mới được chẩn đoán tăng huyết áp, giúp họ thay đổi những thói quen xấu trong cuộc sống thường ngày và tuân thủ điều trị theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ.