Số người chết vì tăng huyết áp gấp 10 lần chết vì tai nạn giao thông

ANTĐ - Con số này được đưa ra tại tọa đàm “Tăng huyết áp: Kẻ giết người thầm lặng” do Hội tim mạch học Việt Nam tổ chức ngày 14-5. 

Tăng huyết áp được ví như kẻ giết người thầm lặng

Trên 40% người trưởng thành bị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm, đồng thời là nguyên nhân gây suy tim, đột quỵ não, là nguyên nhân thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi bị mắc cũng trẻ hóa.

Vào năm 2000, theo ước tính của WHO, toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này được ước tính là vào khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025. Hiện nay, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp. Một vấn đề nguy hiểm khác là tỷ lệ người tăng huyết áp tăng nhanh tại các nước đang phát triển ở các nước châu Á, châu Phi.

Ngay tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009, tỷ lệ này ở người lớn là 25,4% và năm 2016, tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đang ở mức báo động là 48%. “Đây là mức báo động đỏ trong thời gian hiện tại”- GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam nói.

Theo GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, con số người bị tăng huyết áp tại Việt Nam đang rất đáng báo động.

“Tai nạn giao thông mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người, nhưng tại Việt Nam, mỗi năm có 104-150.000 người chết do nhồi máu cơ tim, gấp hơn 10 lần người chết vì tai nạn giao thông. Huyết áp gây ra thiếu máu cơ tim, tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày tim phải co bóp mạnh dẫn đến suy tim. Huyết áp cao còn dẫn đến rối loạn cholesteron, gây xơ vữa động mạch, động mạch hẹp càng gây ra biến chứng nhồi máu cơ tim. Ngày nào viện tim mạch cũng có 5-10 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đến khám, cấp cứu và tỷ lệ tử vong rất cao”- Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam Đỗ Doãn Lợi chia sẻ.

Theo thống kê mới nhất, mỗi năm trên thế giới có 17,5 triệu người chết vì tim mạch, nhiều hơn 4 lần số người tử vong do các bệnh: HIV- AIDS, sốt rét và lao phổi cộng lại. Trong các bệnh về tim mạch, số người chết vì tăng huyết áp là trên 7 triệu người/năm.

Mỗi năm, 17,5 triệu người chết vì tim mạch trên thế giới, nhiều hơn 4 lần: HIV- AIDS, Sốt rét và lao phổi cộng lại. Trong tim mạch, chết vì tim mạch trên 7 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ngay cả ở các nước phát triển thì tỷ lệ người bị tăng huyết áp cũng rất cao.

Cần phát hiện sớm

GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt cho hay, ít người bị tăng huyết áp có các triệu trứng lâm sàng nhưng huyết áp tăng đột ngột lại rất nguy hiểm. Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Không phải cứ đau đầu mới là tăng huyết áp. Hơi chóng mặt, ù tai, mờ mắt… tưởng không làm sao nhưng cũng cần để ý vì có thể liên quan đến huyết áp. Các bác sĩ đã đúc kết lại: Hãy nhớ con số huyết áp của mình như tuổi của mình”.

Đồng quan điểm này, GS.TS.BS Phạm Gia Khải - nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam còn cho biết thêm, tỷ lệ công nhân viên chức mắc tăng huyết áp khá cao do môi trường làm việc stress, ít vận động, dinh dưỡng không hợp lý. Để kiểm tra xem có bị tăng huyết áp hay không, nên đo huyết áp vào 1 giờ nhất định trong ngày trong nhiều ngày.

Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là đưa huyết áp về 14/90mgH. Đây là căn bệnh cần điều trị lâu dài, kết hợp thuốc với chế độ ăn uống nhiều rau xanh, ít nhất có 5 loại rau quả càng khác màu càng tốt trong bữa ăn hàng ngày, giảm muối, chất béo và tập luyện hợp lý. Các chuyên gia cũng lưu ý, huyết áp đặc biệt dễ tăng đột ngột vào buổi sáng và khi thời tiết trở lạnh đột ngột nên người bị huyết áp cần chú ý, tránh ra ngoài, tập thể dục vào sáng sớm hay khi thời tiết thay đổi.