Đau đầu khi tội phạm là người tâm thần (3):

Bản án cho những người điên

ANTĐ - Theo luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, Hà Nội, không thể thoát tội nhờ "giả điên" vì tất cả tội phạm nghi bị tâm thần đều phải được giám định trước rồi mới xử tội.

Theo ông Quyền, luật cho những tội phạm tâm thần được gói gọn trong Điều 13, Bộ Luật hình sự. Theo đó: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Nói một cách dễ hiểu, với những người bị bệnh tâm thần bẩm sinh hoặc mất hết năng lực hành vi thì pháp luật không truy cứu trách nhiệm hình sự mà bắt buộc người bệnh phải đến bệnh viện chữa trị còn đối với những người khi phạm tội là người hoàn toàn bình thường, nhưng sau đó do bị ám ảnh tội lỗi,... mới phát bệnh tâm thần thì sau khi được bắt buộc chữa bệnh, khỏi bệnh rồi người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm mà mình gây ra.

Đỗ Thị Hợi trong phiên tòa xét xử 

 Đỗ Thị Hợi trong phiên tòa xét xử

Để biết được người phạm tội có mắc bệnh tâm thần đến mức làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không phải được Hội đồng Giám định tâm thần xác định và kết luận, chứ không thể giả vờ mắc bệnh để trốn tránh trách nhiệm.

Ông Quyền cũng cho biết, không phải bệnh tâm thần nào cũng thoát được án phạt vì tâm thần có rất nhiều loại. Nếu mắc chứng hoang tưởng đứt đoạn (mắc bệnh tùy thời điểm) thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu có kết luận của cơ sở điều trị về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh thì tùy vào từng giai đoạn tố tụng Viện Kiểm sát hoặc Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Để lý giải rõ hơn điều này, ông Quyền kể lại một vụ án gần đây. Hai mẹ con Đỗ Thị Hợi và Phạm Quỳnh Hương (trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đăng ký mở nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ ăn uống, massage nhưng lại làm dịch vụ “vui vẻ”. Khi bị phát hiện và bắt giữ, hai đối tượng này đều có chứng nhận của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương về bệnh tâm thần. Do đó, VKSND TP Hà Nội đã quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với Phạm Quỳnh Hương. Còn Đỗ Thị Hợi với kết luận giảm một phần khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên vẫn bị đưa ra xét xử....

Người tâm thần phạm tội, ở góc độ nào đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng với những phiên tòa và những bản án được tuyên có đủ sức phòng ngừa, tránh nguy cơ cho xã hội trong khi ngoài mối nguy hiểm rình rập ngay trong chính gia đình của người mắc bệnh, xã hội vẫn còn rất nhiều người tâm thần đang lang thang....

Đón đọc kỳ 4: Tội phạm tâm thần - Hiểm họa rình rập