Bám theo ngành “nóng” để lừa đảo

ANTĐ - Thời gian gần đây, lợi dụng độ “nóng” làm việc trong ngành hàng không, trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã có nhiều trung tâm lừa đảo môi giới, tuyển dụng, đào tạo nhân viên hàng không dân dụng.

Làm việc trong ngành hàng không đang “nóng” với nhiều bạn trẻ

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ năm 2009 đến nay, nhiều công ty, trung tâm đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho hàng trăm học viên các ngành như: Tiếp viên hàng không, vận tải hàng không, an ninh hàng không … Trong khi, các cơ sở này không được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không. Thống kê của Cục này cho thấy, từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, các cơ sở này đã tổ chức đào tạo 6 khóa nhân viên An ninh hàng không, mỗi khóa từ 35 - 40 học viên, thời gian đào tạo 3 tháng, kết thúc khóa học được các cơ sở này cấp giấy chứng nhận (không phải là chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không).

Ông Phạm Việt Dũng - Chánh Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thủ đoạn lừa đảo mà các Trung tâm không có chức năng đào tạo nhân viên hàng không đã làm như tuyển sinh, đào tạo, tư vấn tuyển sinh, chủ yếu nhằm vào các đối tượng có nhu cầu làm việc trong ngành hàng không. Nạn nhân là những thanh niên ở các vùng nông thôn chưa có việc làm, thiếu thông tin về ngành hàng không và cơ sở đào tạo nhân viên hàng không. 

Ông Dũng nhìn nhận, các thành phần lừa đảo thường có quan hệ với một số cơ sở trong ngành hàng không am hiểu hoạt động về ngành này. “Các trung tâm đào tạo này đều trương biển quảng cáo và các thông tin có nội dung không đúng thực tế, thậm chí còn hứa hẹn học xong được sắp xếp việc làm trong ngành hàng không ngay và với mức học phí cao gấp nhiều lần theo quy định. Nhiều người dân đã tin tưởng, giao hàng chục triệu đồng cho chúng, rồi tiền mất, tật mang”, ông Dũng nói. Thậm chí, một số trung tâm còn mạo danh Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam (hiện nay chỉ có Cục Hàng không Việt Nam) hoặc Học viện Hàng không Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo.

Để dẫn đến tình trạng gia tăng các trung tâm đào tạo ngành hàng không giả mạo thời gian qua, ông Dũng cho rằng, chủ yếu là các thông tin chính thống liên quan đến ngành hàng không, nhân viên hàng không chưa được rộng rãi. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đang đào tạo nhân viên hàng không chưa thường xuyên, triệt để. Ông Dũng cho biết, các cơ sở đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không chỉ được phép đào tạo những người đã được tuyển dụng vào làm việc trong ngành hàng không dân dụng, không tuyển sinh rộng rãi ngoài xã hội như đào tạo nghề.  

Bởi vậy, để tránh rơi vào tình trạng tiền mất tật mang, nếu cá nhân có nhu cầu học nghề về hàng không liên hệ trực tiếp Phòng đào tạo, Học viện Hàng không Việt Nam, địa chỉ 104, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt lưu ý, học viện không nộp hồ sơ, tiền qua các trung gian, cò mồi. Bên cạnh đó, nếu có nhu cầu tìm hiểu về đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không, liên hệ đến Cục Hàng không Việt Nam, địa chỉ 119 Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội, hoặc liên hệ trực tiếp các cơ sở đào tạo đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận.