Bài học để đời từ "bắp ngô thủy tinh"

ANTD.VN - Tôi đã theo dõi tòa nhà Trung tâm hành chính của Đà Nẵng từ khi khởi công cho đến khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tôi không bất ngờ khi họ có ý định sẽ di dời bộ máy hành chính công của Đà Nẵng ra khỏi tòa nhà, mà chỉ hơi bất ngờ là họ thất vọng về nó nhanh thế (chưa đầy 2 năm). 

Trung tâm hành chính của Đà Nẵng là một công trình mang trên mình đầy khiếm khuyết về vật liệu sử dụng, vị trí địa lý, ngôn ngữ kiến trúc… Tòa nhà khổng lồ bằng kính có tạo dáng giống một “bắp ngô thủy tinh” màu đen nằm lạc lõng bên bờ biển của thành phố.

Công trình tuy to nhưng không tạo được cảm xúc tốt về hình khối, màu sắc, cảnh quan… gây cảm giác xa lạ, bó kín, ngột ngạt. Về giao thông đi lại thì không tối ưu: Nơi tập trung hàng nghìn công chức, tiếp đón công dân mà không có quảng trường rộng rãi, giao thông hội tụ, cảnh quan thu hút, hấp dẫn. 

Việc khai thác không gian, văn hóa, thói quen sinh hoạt của người dân, thiên nhiên, khí hậu… hợp lý luôn là bài học không bao giờ thừa trong việc tạo nên các trung tâm hành chính, các công trình xây dựng thân thiện với người sử dụng. Và bài học này đã được người Pháp rồi sau đó đến các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam nối tiếp nhau thực hiện. Trong đó, việc đề cao kiến trúc bản địa kết hợp với kiến trúc hiện đại luôn tạo thành những công trình để đời. Đà Nẵng đã xa rời thực tế, bỏ qua những bài học có giá trị để tạo nên công trình tốn kém và phi lý. 

Nói như vậy, không phải Đà Nẵng không nên xây dựng các công trình hoành tráng. Nhìn rộng ra các thành phố châu Á khác, các tòa nhà chọc trời luôn là biểu tượng đánh dấu thời điểm giấc mơ “hóa rồng”  đã trở thành hiện thực. Nhưng để tạo ra dấu ấn “tháp thủy tinh” trong lịch sử phát triển thành phố, các kiến trúc sư các nước châu Á khác đã giải quyết các vấn đề về bức xạ nhiệt, thông gió chiếu sáng, mưa bão, động đất, phòng chống cháy nổ, thảm họa, giao thông đi lại trong và ngoài tòa nhà với chi phí cho xây dựng rất đắt đỏ, tiêu hao năng lượng khủng khiếp và cần sự phát triển đồng bộ rất cao.

Ở một địa phương như Đà Nẵng - khi mà nền công nghệ, kỹ nghệ chưa có gì nổi bật, ngân sách địa phương phụ thuộc phần lớn vào tiền bán đất thì việc xây dựng một tòa nhà khổng lồ nhưng chất lượng sử dụng kém là một cuộc chơi xa hoa và không có gì đáng ngưỡng mộ. 

“Bắp ngô thủy tinh” của Đà Nẵng đã được thực hiện như một giấc mơ. Nhưng giấc mơ này cần được mơ lại nhiều lần nữa để thực tế hơn. Tuy có rất nhiều khiếm khuyết, song tôi đánh giá công trình cũng có mặt được của nó. Đó là được một bài học để đời cho một thành phố đang phát triển như Đà Nẵng.

Người ta nói “mất tiền để được trí khôn” - thành phố biển đã mất rất nhiều tiền nên chắc chắc sẽ rút ra được nhiều điều từ công trình này. Tôi hy vọng, qua thất bại của tòa nhà nghìn tỷ, Đà Nẵng sẽ tìm ra một con đường đi để ai đến đây cũng muốn ở lại và sống cùng những con người mến khách.