- Bài 4: Những “chốt chặn” bình yên trước “giặc lửa”
- Bài 3: Chuyển đổi số giúp lực lượng Công an cấp xã bắt nhịp nhanh với cách thức làm việc mới
- Bài 2: Chủ động bám sát địa bàn, phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở
Gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước
Theo Đại tá Nguyễn Tiến Đạt, Công an thành phố (CATP) luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Công an, thành phố Hà Nội trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, CATP cũng xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và phấn đấu là đơn vị đi đầu trong Công an các tỉnh, địa phương, trong thành phố Hà Nội về chuyển đổi số.
![]() |
Công an Hà Nội tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân được tốt nhất |
Xác định việc chuyển đổi số bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức, thay đổi tư duy của từng chỉ huy, cán bộ chiến sỹ, định hướng đến loại bỏ tư duy “ngại thay đổi”, “ngại khó”... CATP bắt đầu từ việc làm tốt công tác tư tưởng và đổi mới phương pháp, cách thức quán triệt, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, sản phẩm nổi bật của chuyển đổi số nhằm tạo tâm lý “hứng thú, mong muốn, khát khao được ứng dụng, áp dụng công nghệ thông tin vào công việc để nâng cao hiệu quả, giảm bớt thời gian, nhân lực”.
Cụ thể, CATP đã đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản và xác định tầm nhìn của hạ tầng tối thiểu từ 5 đến 10 năm, có thể nhân rộng, phát triển mạnh mẽ khi cần thiết nhằm phục vụ đắc lực các mặt công tác công an, nổi bật là: Đầu tư, xây dựng hệ thống camera an ninh trên toàn thành phố với các tính năng nổi bật như giám sát, điều khiển giao thông thông minh, tự động điều tiết giao thông thay cho lực lượng Cảnh sát giao thông; Xử lý vi phạm giao thông, xử lý vi phạm trật tự đô thị, vi phạm về môi trường; Truy vết con người, phương tiện vi phạm pháp luật...
CATP cũng đang nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ nền tảng số hiện đại, trọng tâm là phát triển các hệ thống dữ liệu lớn, kết nối liên thông giữa các đơn vị, tích hợp trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý thông tin phục vụ các mặt công tác. Trước mắt, CATP đang nghiên cứu, triển khai một số nền tảng như: Hệ thống Chatbot AI tự động tiếp nhận, xử lý thông tin qua các trang thông tin điện tử; Hệ thống AI tự động phân tích, phân loại, bóc tách dữ liệu trong kho hồ sơ số hóa...
“Trọng tâm của Đề án hướng đến mục tiêu tổng thể là tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ về quy trình làm việc của CATP, tất cả các lĩnh vực, quy trình công tác đều được ứng dụng, xử lý trên môi trường số, khi đó người đứng đầu đơn vị có thể dễ dàng điều hành, quản lý công việc của đơn vị, tối ưu hóa các nguồn nhân lực và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên toàn lĩnh vực công tác, đặc biệt là các lĩnh vực công tác phục vụ người dân” - Đại tá Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh.
![]() |
Công an Hà Nội ứng dụng khoa học công nghệ làm căn cước cho người dân |
Công an cấp xã, tuyến đầu trong công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở
Cho rằng, Công an cấp xã là tuyến đầu trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, đơn vị trực tiếp triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân và triển khai thực hiện, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong Công an nhân dân nói chung và Công an thành phố Hà Nội nói riêng vào các mặt công tác của đơn vị, Đại tá Nguyễn Tiến Đạt nêu rõ với mô hình tổ chức bộ máy mới hiện nay và quy mô của Công an cấp xã sau khi thành phố Hà Nội thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chức năng, nhiệm vụ cũng như vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp xã sẽ tăng lên rất lớn, bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những biện pháp, giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo để tăng cường, phát huy cao nhất hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Công an cấp xã, đảm bảo hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Xác định rõ các mục tiêu, yêu cầu trên, CATP đã có những định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, bài bản, trong đó, xác định công tác chuyển đổi số là trọng tâm, đột phá toàn diện trong toàn CATP, định hướng mục tiêu, lộ trình cụ thể chuyển đổi số đến Công an cấp xã, là tiền đề, một trong những yếu tố căn cơ, then chốt cùng với công tác xây dựng lực lượng, đào tạo đội ngũ cán bộ... để thúc đẩy hiệu suất, hiệu quả công tác. Theo đó, CATP xác định phải tăng cường bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đội ngũ chỉ huy, cán bộ chiến sĩ Công an cấp xã; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, kết cấu hạ tầng phục vụ triển khai các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng mục tiêu chiến lược (với các giải pháp, lộ trình cụ thể từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn), từng bước thử nghiệm, thí điểm, nhân rộng các giải pháp có tính hiệu quả cao, tối ưu nhất, vừa hạn chế, tránh tư tưởng, đầu tư “manh mún”, chồng chéo, phạm vi hẹp, lãng phí... vừa góp phần giảm thiểu thời gian, nhân lực cho Công an cấp xã trong tổ chức triển khai các mặt công tác, điển hình là: Rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu tổng thể để đầu tư xây dựng, trang bị cho lực lượng Công an cấp xã các điều kiện tối ưu nhất, toàn diện từ tài lực - nhân lực - vật lực với lộ trình cụ thể, đảm bảo cho hoạt động Công an cấp xã ổn định, kịp thời phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong toàn CATP.
Về việc này, trước mắt, CATP đang tập trung 2 nội dung để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi và góp phần nhanh chóng nâng cao chất lượng, kết quả công tác và phục vụ người dân, khái quát như: Thứ nhất, xây dựng phương án, triển khai hệ thống đường truyền nội bộ gắn với việc phát triển các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đối với Công an cấp xã như phần mềm quản trị điều hành công việc, phần mềm báo cáo thống kê số liệu ở tất cả các chuyên đề lĩnh vực, các giải pháp dịch vụ công...
Thứ hai, tăng cường nhân lực chất lượng, có trình độ về công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm hệ thống các thiết bị để củng cố, xây dựng hệ thống thiết bị phục vụ chuyển đổi số ổn định, tầm nhìn dài hạn, như: trang thiết bị đầu cuối (máy tính, máy scan, máy in hóa đơn...), thiết bị mạng (bộ định tuyến (Router), chuyển mạch (Switch)..., thiết bị lưu trữ và máy chủ...
CATP chủ động báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm thực hiện chế độ đặc thù cho lực lượng Công an thành phố (nổi bật là: các nghị quyết của HĐND hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Công an xã, Cảnh sát khu vực, Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, hình sự, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...). Chủ động nghiên cứu, báo cáo, đề xuất thành phố Hà Nội chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành thành phố phối hợp lựa chọn địa điểm thuận lợi nhất để bố trí làm trụ sở Công an cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Đồng thời, chú trọng, đẩy mạnh phong trào “bình dân học vụ số”, nâng cao trình độ công nghệ thông tin và tỷ lệ ứng dụng sản phẩm công nghệ hữu ích vào các mặt công tác của cán bộ, chiến sỹ trong toàn thành phố.
Công an thành phố Hà Nội quyết tâm hướng tiến đến mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, tối ưu nhất các mặt công tác của Công an cấp xã, bắt kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số của quốc gia, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu, đáp ứng nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh từ cơ sở, đấu tranh phòng chống tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Đại tá Trần Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội: Công an xã ngăn chặn từ sớm, từ xa mọi hoạt động tội phạm
“Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp tổ chức, không duy trì Công an cấp huyện theo mô hình cũ, tăng cường lực lượng cho Công an cấp xã, phường, thị trấn. Ngay sau khi Công an thành phố Hà Nội triển khai không duy trì Công an cấp huyện, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã tham mưu Giám đốc Công an thành phố điều động, luân chuyển cán bộ, chiến sĩ là các điều tra viên, trinh sát viên, cán bộ điều tra dày dạn kinh nghiệm từng công tác tại Công an cấp huyện và thành phố về Công an cấp xã.
Sự bổ sung đội ngũ cán bộ có năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm thực tiễn từ cấp huyện, thành phố về xã đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong chất lượng hoạt động của lực lượng Công an cơ sở. Các trinh sát, điều tra viên từng xử lý nhiều vụ án phức tạp ở cấp huyện, thành phố, khi về xã đã phát huy tối đa khả năng, góp phần xử lý nhanh, gọn các tình huống an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Với sự tăng cường lực lượng chính quy, đặc biệt là những cán bộ dày dạn trận mạc, Công an xã có thể đảm đương được nhiều nhiệm vụ khó, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững bình yên cho nhân dân. Các vụ việc phát sinh được xử lý kịp thời, chính xác; tội phạm bị ngăn chặn từ sớm, từ xa. Đặc biệt, trong các vụ án có dấu hiệu phức tạp, Công an xã hiện nay đã đủ năng lực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp trên, triển khai điều tra, bắt giữ đối tượng nhanh chóng và hiệu quả. Chất lượng tài liệu do Công an cấp xã xác minh, thu thập cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, có giá trị và được Cơ quan CSĐT sử dụng để chứng minh tội phạm trong sau khi tiếp nhận, giải quyết.
Trong thời gian tới, lực lượng Công an xã chính quy tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) ngay từ cơ sở - địa bàn chiến lược trong thế trận an ninh nhân dân. Với phẩm chất chính trị vững vàng, nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng nắm chắc địa bàn, lực lượng Công an xã chính quy đã, đang và sẽ là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an thành phố trong công tác phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Công an các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, Công an xã chính quy sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc giữ gìn ANTT, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, an toàn cho nhân dân Thủ đô”.
Ông Ngô Duy Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội: Công an cấp xã phát huy năng lực về công nghệ số
“Từ ngày tiếp nhận Công an chính quy về xã làm việc, Đảng ủy, UBND xã Tân Lập đánh giá cao về tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí cán bộ Công an xã trong công tác tham mưu thực hiện các mặt công tác đảm bảo ANTT nói chung và PCCC nói riêng. Các cấp lãnh đạo xã luôn quan tâm động viên cán bộ chiến sỹ Công an xã, giúp họ thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Từ khi lực lượng Công an chính quy về xã, công tác đảm bảo an ninh trật tự địa bàn được thực hiện nghiêm túc, bài bản, hoạt động có hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cao. Tôi tin tưởng trong kỷ nguyên mới, lực lượng Công an cấp xã sẽ phát huy cao độ khả năng sẵn có, nhất là năng lực, trình độ về công nghệ số để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT địa bàn và thực hiện hiệu quả công tác PCCC, góp phần đem lại bình yên và hạnh phúc cho nhân dân”.
Thiếu tá Thái Quang Chiến, Cảnh sát khu vực CAP Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội: Thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất
“Triển khai thực hiện nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới khi sáp nhập địa giới hành chính, từng mảng công tác của Cảnh sát khu vực sẽ không bị chồng chéo, quá tải, áp lực như trước nữa. Mặc dù công việc sẽ nhiều hơn, số lượng nhân hộ khẩu sẽ tăng hơn rất nhiều do địa bàn rộng hơn, nhưng tôi cho rằng Cảnh sát khu vực sẽ thuận lợi hơn trong công tác. Theo tôi, đối với Cảnh sát khu vực, mảng quản lý nhân hộ khẩu là công việc, nhiệm vụ hàng ngày, nên dù có thay đổi địa giới hành chính thì nhiệm vụ vẫn không thay đổi và chúng tôi sẽ được san sẻ công việc rất nhiều, bởi khi đó sẽ có nhiều lực lượng khác phối hợp, phân công, phân việc rõ ràng, như vậy Cảnh sát khu vực sẽ có được sự giúp sức rất nhiều. Quan điểm của tôi, mỗi cán bộ chiến sỹ công an đều thực hiện nhiệm vụ trong một tâm thế sẵn sàng với nỗ lực, quyết tâm cao nhất”.