Giảm số vụ trọng án 6 tháng đầu năm:

Bài 2: Thế trận phòng ngừa

ANTĐ - “Cháu biết thế nào cũng bị bắt, chỉ không ngờ các chú lại bắt được cháu nhanh thế”, Nguyễn Mạnh Cường - tức Cường “móm”, đối tượng liên quan đến vụ nổ súng tối 28-4-2011 trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa khiến một cô gái thiệt mạng, đã bộc bạch như vậy tại trụ sở CQĐT CATP Hà Nội.

Đọc lệnh bắt đối tượng tổ chức sử dụng ma túy (ngoài cùng bên phải)

Vụ nổ súng trên phố Xã Đàn tối 28-4 cũng có thể coi là một điển hình hiệu quả trong công tác nắm tình hình, nắm đối tượng của Công an Hà Nội. Có súng nổ, có người chết, nhưng khi tiếp cận nguồn tin, trinh sát chỉ nhận được những cái lắc đầu. Sự bất hợp tác với CQĐT này là bởi cả nạn nhân lẫn đối tượng liên quan, gây án đều thuộc đám giang hồ.

Trước, trong và sau khi vụ án xảy ra, chúng đều muốn dùng “luật rừng” để “xử” nhau. Vụ án xảy ra gần nửa đêm thì trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau đó, Công an Hà Nội đã dựng được toàn bộ chân tướng nhóm đối tượng gây án và cả phía bị hại. Một ngày sau, lệnh truy nã 3 đối tượng đầu vụ được CQĐT CATP Hà Nội phát đi toàn quốc. Động thái khẩn trương, quyết liệt này khiến những kẻ gây án hoảng loạn, không biết trốn đi đâu. Chui lủi ở một số nhà trọ, nhà nghỉ tại Hà Nội, sẽ không an toàn, 3 kẻ trốn lệnh truy nã rủ nhau đi Móng Cái, tìm cách vượt biên sang bên kia biên giới. Toàn bộ ý đồ và hành trình trốn chạy của chúng bị Công an Hà Nội theo sát, rồi lần lượt từng đứa sa lưới.

Chỉ huy Phòng CSHS nhìn nhận, tội phạm hình sự bây giờ không chỉ nhăm nhăm việc đâm chém, gây lộn. Tính chất liều lĩnh, manh động không giảm, thêm vào đó là những toan tính tham gia các hoạt động kinh doanh, kinh tế có lợi nhuận. Bảo kê vũ trường, nhà hàng; hoạt động trá hình là công ty đòi nợ thuê, san lấp mặt bằng; cho vay nặng lãi… là những mảnh đất “màu mỡ” mà tội phạm hình sự đang “khai thác” triệt để. Phạm pháp hình sự, trọng án hình thành cũng từ những hoạt động “ngầm” này.

Chủ động ngăn ngừa nguy cơ tội phạm gây án, hàng loạt biện pháp “mạnh” đã được Công an Hà Nội triển khai. Thông qua kiểm tra, rà soát, Công an Hà Nội đã có kiến nghị kịp thời cấp có thẩm quyền rút giấy phép, đóng cửa những cơ sở vi phạm nghiêm trọng. Một hoạt động kinh doanh “nhạy cảm” luôn được Công an Hà Nội kiểm soát chặt chẽ là các hiệu cầm đồ. Giám đốc CATP chỉ đạo các Phòng CSHS, Phòng QLHC về TTXH phối hợp với công an các quận, huyện xây dựng và triển khai chuyên đề đặc biệt để quản lý loại hình kinh doanh này, nhằm đánh chặn “đường” tiêu thụ tang vật các vụ án.

Xử lý trường hợp vi phạm TTGT

Mọi đối tượng, biểu hiện hoạt động trái pháp luật thông qua hiệu cầm đồ đều bị rà soát, nắm bắt và có đối sách xử lý kịp thời. Đối sách quan trọng đã và đang được Công an Hà Nội thực hiện từ nhiều năm qua, là tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với công an các tỉnh, thành phố giáp ranh, trọng điểm, để nắm hoạt động của những đối tượng lưu manh, côn đồ hoạt động lưu động. Biện pháp này không chỉ tạo hiệu quả cho công tác phòng ngừa, mà còn giúp công tác điều tra, phá án được rút ngắn thời gian.

Đồng thời với các biện pháp nghiệp vụ công an, chủ trương mà Ban Giám đốc CATP luôn xác định với công an cơ sở, là phát động hiệu quả phong trào người dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. Không nhiều địa phương như Hà Nội đã và đang xây dựng được cho mình những mô hình, phong trào đảm bảo ANTT khá đa dạng, với nòng cốt là cán bộ cơ sở, những quần chúng ưu tú, tự giác. Đội ngũ này tham gia hòa giải mâu thuẫn ở cơ sở, phối hợp cùng lực lượng công an tuần tra, kiểm soát, thậm chí sẵn sàng bắt giữ đối tượng phạm tội.

Xây dựng các mô hình câu lạc bộ người dân phòng chống tội phạm như một số tỉnh, thành phố phía Nam đang duy trì, là yêu cầu Giám đốc CATP đặt ra với công an cơ sở. Vấn đề nhìn nhận ở đây là, công an luôn phải là lực lượng chủ công trên mặt trận giữ gìn ANTT. Song hiệu quả triệt để nhất, sức mạnh tấn công tội phạm cao nhất, không thể thiếu vai trò, sự tham gia của người dân. Tố giác tội phạm cũng là một hình thức để đấu tranh với tội phạm. Một câu lạc bộ người dân phòng chống tội phạm hình thành, hoạt động sẽ giúp sức mạnh phong trào phòng chống tội phạm ở cơ sở nhân lên gấp bội. Lớn hơn nữa, nó giúp mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia giữ gìn sự bình yên cho xã hội, cho Thủ đô. Một thế trận phòng ngừa tội phạm, thế trận giữ vững an ninh xã hội với nền tảng là sự chủ công của lực lượng công an cùng sự tham gia tích cực của người dân, đã tạo nên giá trị rất riêng cho Thủ đô Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, một điểm đến an toàn!