Thương lái nước ngoài lũng đoạn thị trường nông sản

Bài 2: Đừng để giải pháp mãi nằm trên giấy

ANTĐ - Tình trạng dư thừa nông sản đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng đến hiện tại vẫn thiếu những giải pháp căn cơ. Trong khi ngành NN&PTNT chỉ biết xin lỗi người dân thì đại diện ngành Công thương lại cho rằng, các bộ ngành phải có trách nhiệm.

Lũng đoạn thị trường

TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN&PTNT cho biết, qua theo dõi từ năm 2010 đến nay, một số nông sản xuất qua cửa khẩu Tân Thanh, Lào Cai như: dưa hấu, thanh long, vải thiều… không năm nào thoát cảnh ùn tắc.

Bên cạnh lý do nông dân ồ ạt trồng một loại nông sản để xuất khẩu dẫn tới dư thừa thì việc bỏ ngỏ quản lý về chất lượng, mẫu mã đã khiến nông sản Việt dần tụt hạng trên cả thị trường trong nước. “Trung Quốc luôn áp dụng các quy trình kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ theo quy định đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu. Còn tại Việt Nam, việc mở rộng cơ sở hạ tầng - bến bãi tập kết nông sản cứ nằm trên giấy năm này qua năm khác.

 Đặc biệt, chất lượng, quy trình đóng gói, mẫu mã và giá bán của nhiều mặt hàng nông sản, trái cây Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Đây là lý do chính khiến nông sản Việt luôn bị thương lái ép giá. Hơn nữa, nông dân Trung Quốc rất nhạy bén và chủ động, từ chỗ phải nhập khẩu dưa hấu, vải thiều thì họ đã trồng được và thu hoạch trước chính vụ của Việt Nam. Do đó, vải thiều, dưa hấu, thanh long hiện không còn là trái cây độc quyền của Việt Nam. “Đây thực sự là nỗi lo cho ngành nông nghiệp nước ta”, ông Nguyễn Trung Kiên lo ngại.

Chưa hết, các thương lái Trung Quốc cũng luôn gây rối loạn thị trường Việt Nam bằng cách thu mua nông sản một cách lạ đời. Theo đại diện UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, hàng năm vào khoảng cuối tháng 5, tháng 6, có khoảng 120-160 thương lái Trung Quốc đến Lục Ngạn xin tạm trú để hoạt động thu mua vải đưa về nước.

Bài 2: Đừng để giải pháp mãi nằm trên giấy ảnh 1

Điều tiết tốt sẽ giúp nông sản Việt Nam tìm lại thị trường

 Nhiều năm nay, 40% lượng vải của Việt Nam  xuất khẩu sang Trung Quốc, vì vậy giá cả đều do đội ngũ thương lái Trung Quốc quyết định. Anh Nguyễn Văn Lưu ở xã Hồng Giang, Lục Ngạn chia sẻ: “Thương lái Trung Quốc trả giá thu gom vải thiều theo giờ. Họ dựa vào lượng vải bà con đưa đến các điểm thu gom để trả giá, vì vậy có khi sáng thì giá 9.000 đồng/kg nhưng đến trưa chỉ còn 7.000 đồng/kg”.

Thả nổi nông dân sản xuất theo phong trào

Thực trạng người nông dân sản xuất tự phát là một trong những lý do khiến nông sản rơi vào cảnh dư thừa, chất lượng kém. Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định, Bộ NN&PTNT đã thường xuyên khuyến cáo các Sở NN&PTNT địa phương về quy hoạch nông sản.

Tuy nhiên, tình trạng xé rào, vỡ quy hoạch vẫn cứ xảy ra, không chỉ với dưa hấu mà với hàng loạt cây trồng khác như cao su, cà phê, thanh long… “Chúng ta đã giao quyền tự chủ cho nông dân sản xuất, vì vậy, ngành nông nghiệp cũng chỉ đưa ra khuyến cáo về khả năng tiêu thụ và quy hoạch diện tích. Mọi quyết định vẫn nằm trong tay nông dân. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của bà con hiện vẫn theo phong trào, thấy có lãi thì đồng loạt làm dẫn tới cung quá cầu”, ông Trần Xuân Định nhìn nhận. 

Trong phạm vi quản lý của mình, Bộ Công thương thừa nhận đầu ra cho nông sản gặp khó có nguyên nhân từ việc thông tin thị trường đứt đoạn, dẫn đến sự rời rạc trong liên kết giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, để khắc phục tình trạng này, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu xây dựng hệ thống thông tin thị trường, kết nối để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết… Cùng với việc đề ra và thực hiện quy hoạch một cách nghiêm túc, việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường bài bản sẽ góp phần tạo ra đường đi thông suốt cho nông sản, từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, xuất khẩu. 

Tuy nhiên, giải pháp mãi chỉ nằm trên giấy nếu các bộ, ngành và địa phương không thấy được trách nhiệm của mình. Nếu không hành động ngay để chấm dứt tình trạng lũng đoạn của thương lái nước ngoài, định hướng nền nông nghiệp đi vào “chất” hơn là “lượng” thì tương lai không xa, nông sản ngoại sẽ “bóp chết” nông sản Việt ngay trên sân nhà. Cùng nỗ lực với các cơ quan Nhà nước, đã đến lúc, người nông dân cần từ bỏ kiểu sản xuất theo phong trào. Bên cạnh việc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, người nông dân cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan hữu quan, lắng nghe thông tin thị trường và luôn cảnh giác với những thủ đoạn của thương lái nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công thươngTrần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu… nên thị trường tiêu thụ nông sản rất rộng mở. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng rất lớn. Nếu làm tốt công tác thông tin thị trường thì nông sản Việt vừa xuất khẩu hiệu quả, vừa được phân phối hợp lý cho nhu cầu trong nước.