Hà Nội làm tốt công tác đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng

Bài 2: Bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch

ANTD.VN - Tại Hà Nội, ngày 16-8, CATP đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024. Tiếp đó, ngày 21-8, CATP tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024.

Bài 1: Chủ động trên các mặt công tác

(tiếp theo và hết)

Giám đốc CATP đã ban hành quyết định thành lập Tiểu ban Chỉ đạo về đặc xá năm 2024, với một trong những nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo, hướng dẫn các trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện triển khai công tác đặc xá theo đúng Quyết định về đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước, Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, Kế hoạch của Bộ Công an, CATP và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về đặc xá của Bộ Công an.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với Hội đoàn thể và Tổ Tiết kiệm và vay vốn thăm mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình anh Phan Ngọc Quảng - xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội (người mặc áo đen ngoài cùng)

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với Hội đoàn thể và Tổ Tiết kiệm và vay vốn thăm mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình anh Phan Ngọc Quảng - xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội (người mặc áo đen ngoài cùng)

Trước ngày 1-10, khối lượng công việc đồ sộ đã được các đơn vị hữu trách của CATP Hà Nội triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm và cái “tâm” cao nhất. Đại tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho biết, thời gian qua, Ban Giám đốc CATP luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác đặc xá, từ yêu cầu chung đến những phần việc, nhiệm vụ cụ thể. Với chức năng của mình, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã tập trung hướng dẫn cũng như kiểm tra thực hiện tại các cơ sở giam giữ toàn bộ quy trình, công đoạn, tuyệt đối không để xảy ra thiếu sót, sai sót, mất công bằng trong lập hồ sơ đặc xá.

Trao đổi với An ninh Thủ đô, Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Giám thị trại tạm giam số 2 (CATP Hà Nội) cho biết, ngay sau khi nhận được tài liệu về đặc xá năm 2024, đơn vị đã tổ chức niêm yết công khai Quyết định về đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước tại các buồng giam, khu giam phạm nhân. Tiếp đó, cán bộ quản giáo đã trực tiếp phổ biến, quán triệt cho phạm nhân biết về đối tượng, điều kiện đặc xá; đồng thời rà soát, nghiên cứu hồ sơ từng phạm nhân đang chấp hành án để thực hiện trình tự, thủ tục hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá.

Căn cứ hướng dẫn của cơ quan cấp trên, Ban Giám thị đã chỉ đạo cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân tổ chức họp đội phạm nhân và cho phạm nhân thảo luận, bình xét, bỏ phiếu kín giới thiệu những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá.

“Đơn vị đã và đang quán triệt, quyết tâm thực hiện yêu cầu đặt ra là đặc xá phải được tiến hành đúng pháp luật, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và chặt chẽ, đúng đối tượng, điều kiện quy định, không để sai sót và tiêu cực xảy ra” - Thiếu tá Tạ Quốc Khánh, Phó Giám thị trại tạm giam số 2 nêu rõ.

Công tác xét đặc xá được tiến hành công khai, dân chủ, chặt chẽ, nên tỷ lệ người đặc xá tái phạm tội rất thấp

Công tác xét đặc xá được tiến hành công khai, dân chủ, chặt chẽ, nên tỷ lệ người đặc xá tái phạm tội rất thấp

Trong danh sách các phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2024, có Nguyễn Ngọc Duy (SN 1993, nhà ở quận Ba Đình). Duy bị tuyên án 5 năm về tội nhập cảnh trái phép, và đến thời điểm này, người đàn ông đã có vợ - 2 con bày tỏ: “Em đã thi hành án được 37 tháng ở Trại tạm giam số 2. Và sau nhiều nỗ lực, nhận thức, vượt lên những mặc cảm, bi quan, em có tên trong danh sách đề nghị đặc xá. Khó để diễn tả hết niềm vui cho ngày về, song điều quan trọng nhất với em, sẽ không thể nào quên, đó là sự quan tâm, chỉ bảo của các thầy quản giáo. Những lời động viên, cả những khi nghiêm khắc, phê bình của các thầy, đã giúp em bình tâm và đứng vững. Làm lại cuộc đời sẽ không đơn giản, nhưng chắc chắn một điều, em sẽ là công dân tốt”…

Chuẩn bị hành trang cho người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Để giúp đỡ những người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện tổ chức các lớp chuẩn bị hòa nhập cộng đồng cho những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, trang bị những kiến thức cơ bản cho phạm nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với các phạm nhân được đề nghị đặc xá và phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù, sẽ được phối hợp với các trung tâm dạy nghề để tổ chức dạy nghề, thi, cấp chứng chỉ cho các phạm nhân.

Chuẩn bị hành trang cho người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, tại Hà Nội từ tháng 10-2023 đến nay, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 20-9-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp với CATP, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, rà soát nhu cầu vay vốn và hướng dẫn thủ tục hồ sơ vay vốn.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân được 8.495 triệu đồng chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 100 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Trong đó, 20 hộ được vay năm 2023 và 80 hộ được giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2024.

Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Đặc xá năm 2024 của Bộ Công an, thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc, từ 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã 9 lần ký quyết định đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động học tập tốt trở về với gia đình, cộng đồng làm công dân có ích cho xã hội.

Hầu hết người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định và làm ăn lương thiện, nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt, nhiều người tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội là rất thấp (lần đặc xá gần đây nhất năm 2022, tính đến nay mới có 2 người trong tổng số 2.438 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm tỉ lệ 0,08%).

Những kết quả trong các đợt đặc xá trước đây đã được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao, điều đó tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và pháp luật trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người một cách công bằng, bình đẳng…