“Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” - bài học quý về xây dựng Chính phủ kiến tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong tác phẩm mới ấn hành chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” (NXB Trẻ), các tư liệu lịch sử khẳng định, Bác đã để lại những tiền đề và bài học thiết thực trong việc xây dựng, điều hành Chính phủ kiến tạo có giá trị trường tồn vượt thời gian.

PGS-TS Hà Minh Hồng - giảng viên cao cấp trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP.HCM (tác giả chủ biên ấn phẩm “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam”) cho rằng: “Những gì Bác Hồ đã làm đều là những tiền đề được tạo ra và đều có ý nghĩa bài học lịch sử. Mỗi bài học có giá trị đến hôm nay đều là thực tế lịch sử cụ thể đã được thực hiện dưới sự tổ chức lãnh đạo thành công của Bác Hồ”.

Tác phẩm “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” ấn hành chào mừng ngày bầu cử toàn quốc 23-5-2021

Tác phẩm “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” ấn hành chào mừng ngày bầu cử toàn quốc 23-5-2021

Những người công bộc của dân

Cụ thể trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo dựng bộ máy chính phủ từ trên xuống dưới thành một khối đoàn kết toàn dân tộc. Thành phần chính phủ và bộ máy công quyền gồm những người công bộc của dân, nêu gương liêm khiết, biết quan tâm đến lợi ích thiết thực của dân và luôn luôn hành động vì lợi ích của nhân dân.

Khi kiện toàn chính phủ mới (Kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa I ngày 3-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ, cùng xây dựng một nước Việt Nam mới. Chính phủ này là chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia… Trong công việc của Chính phủ sẽ còn nhiều bước khó khăn, nhưng nhờ sức ủng hộ của Quốc hội và toàn thể quốc dân, Chính phủ sẽ cương quyết đi đến mục đích”.

Trong điều hành Chính phủ kiến tạo ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tìm người tài đức. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ luôn nêu gương tận tụy, hết lòng vì dân vì nước. Điều hành chính phủ trước hết là làm cho tất cả các thành viên chính phủ và các lớp cán bộ các cấp, các ngành phải trở thành người công bộc của dân.

Bác Hồ chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Kim Quan, tháng 7-1954

Bác Hồ chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Kim Quan, tháng 7-1954

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị trong Ban Thường trực Quốc hội và một số Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Hội đồng Chính phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị trong Ban Thường trực Quốc hội và một số Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Hội đồng Chính phủ

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”

Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” cuối năm 1945, Chủ tịch Chính phủ viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Người từng giải thích: “Chính phủ Cộng hòa dân chủ là gì? Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài”.

Đặc biệt là bài học nêu gương. Theo Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt, trước hết là nêu gương về đạo đức. “Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả 3 mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa”, nêu gương trên 3 mối quan hệ với mình, với người, với việc. Muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.