Bắc bộ mưa lớn, nhiều nơi ngập lụt

ANTD.VN - Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với bộ phận không khí lạnh tăng cường, trong ngày 28-8, ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to. 

Kiến nghị đầu tư máy bay không người lái thám sát bão

Một số khu vực ở TP Hải Dương bị ngập sâu sáng 28-8 

Tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, có mưa rất to, có nơi trên 80mm. Ngập úng đã xảy ra ở vùng trũng các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương. Nhiều tuyến đường tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), TP Hải Dương (Hải Dương), TP Thái Bình (Thái Bình)... ngập sâu trong nước, ảnh hưởng lớn tới đi lại của người dân.

Cũng trong sáng 28-8, khu vực nội thành Hà Nội có mưa to tại một số khu vực như: Di Trạch (70mm), Đại Mỗ (34mm), Định Công (37mm), Láng Thượng (52mm), Vĩnh Quỳnh (50mm) Xuân Đỉnh (34mm). Tại một số khu vực trũng và “điểm đen” úng ngập, đã xảy ra hiện tượng ngập cục bộ từ 20-30cm.

Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, đêm 28-8 và trong ngày 29-8, rãnh thấp sẽ tiếp tục gây mưa dông kèm gió giật mạnh cho vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông và vịnh Bắc bộ.

Dự báo, đợt mưa này kéo dài đến hết ngày 29-8 với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-100mm, có nơi trên 100mm, khả năng xảy ra mưa đá và gió giật mạnh ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Mưa lớn còn có thể gây ra sạt lở đất, lũ quét trên các sông suối nhỏ, ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh. Cơ quan khí tượng đánh giá, rủi ro thiên tai ở cấp 1-2.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết thời gian gần đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sẽ kiến nghị Bộ TN-MT và Chính phủ quan tâm đầu tư hệ thống dự báo hiện đại, cũng như xem xét đến khả năng thám sát bão bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa.

Đề xuất này là phù hợp với chủ trương nâng cao năng lực mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa nhằm phục vụ tốt hơn công tác dự báo khí tượng thủy văn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. 

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới quan trắc khí tượng và đo mưa hiện nay vẫn còn thiếu về số lượng và phân bố chưa hợp lý theo lãnh thổ, theo các vùng khí hậu và vùng sinh thái. Các thiết bị đo các yếu tố như nhiệt độ, lưu tốc kế vẫn dùng của Trung Quốc. Các yếu tố đo khác đang chuyển sang dùng của châu Âu, Mỹ. 

Từ năm 2005 đến nay, các thiết bị đo khí tượng thủy văn như gió, lưu lượng dòng chảy chủ yếu được mua từ Mỹ, một số yếu tố quan trắc khác như khí áp, bức xạ, mưa... mua của Vaisala (Phần Lan) hoặc của các nước như Italia, Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hiện nay, tất cả các trạm ven biển, hải đảo, thiết bị đo gió đang hoạt động là máy đo gió Young của Mỹ, Italia. Máy đo gió EL (của Trung Quốc) chỉ dùng làm máy dự phòng. 

Trước đó, tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 1 và cơn bão số 2 gây ra, lãnh đạo Chính phủ đã đánh giá công tác dự báo dù đã được triển khai tích cực nhưng chưa lường hết được diễn biến của thời tiết, mưa bão; năng lực cả về trang thiết bị và con người chưa đảm bảo yêu cầu, ảnh hưởng đến công tác ứng phó với mưa bão.          

TP.HCM: Cây xanh bật gốc, một người bị thương nặng 

Khoảng 16h ngày 28-8, một cơn mưa lớn kèm theo gió mạnh xảy ra trên địa bàn TP.HCM đã làm một cây cổ thụ có đường kính hơn 1m, cao khoảng 30m trước số nhà 327 đường An Dương Vương (phường 3, quận 5) bật gốc, đổ chắn ngang đường.

Thân cây đã đè vào một chiếc ô tô 4 chỗ và 8 chiếc xe máy dựng trước căn nhà số 344 và 342 đối diện bên kia đường. Cùng thời điểm có một số người đang đứng trước số nhà 342 tránh mưa, khi cây xanh đổ xuống đã đè trúng vào anh Trần Quang Khải gây thương tích nặng.

Sự cố cũng đã làm ảnh hưởng giao thông đi qua khu vực này trong nhiều giờ. Đến 19h sự cố mới được khắc phục, giao thông trở lại bình thường.               Thư Kỳ