Ba bước khoa học lý giải chuyện yêu

ANTĐ - Khi nào bạn biết rằng mình phải lòng một ai đó? Tình yêu đã làm gì với bộ não của chúng ta? Và yêu một người đơn giản chỉ là một cách tự nhiên để giữ cho loài người tồn tại?

Chúng ta gọi đó là yêu. Cảm giác như là yêu. Nhưng thứ tình cảm phấn chấn nhất của chúng ta lại có thể là một cách thức tự nhiên và đẹp đẽ để giữ con người sống còn và tái sản xuất loài.

Với một ly cốc tai hấp dẫn không thể cưỡng lại của các chất hóa học, bộ não dụ dỗ chúng ta rơi vào tình yêu. Chúng ta cứ tưởng rằng mình đang chọn bạn đời, nhưng có thể lại chỉ là một nạn nhân hạnh phúc trong kế hoạch đáng yêu của tự nhiên mà thôi.

Có ba giai đoạn yêu... Ảnh minh hoạ

ĐÓ KHÔNG PHẢI NHỮNG GÌ BẠN NÓI...

Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng chỉ mất từ 90 giây đến 4 phút để quyết định xem bạn có thích ai đó không. Nghiên cứu cũng cho thấy những gì người kia nói không có ý nghĩa gì mấy trong việc khiến cho trái tim bạn lỗi nhịp, so với:

55% thông qua ngôn ngữ cơ thể.

38% là giọng điệu, âm điệu khi nói.

BA GIAI ĐOẠN YÊU

Helen Fisher đến từ Đại học Rutgers đã chỉ ra ba giai đoạn yêu - khao khát, hấp dẫn và gắn bó. Mỗi giai đoạn được thúc đẩy bởi những chất hóa học và hóc môn khác biệt.

Giai đoạn 1: Khao khát

Đây là giai doạn đầu tiên của tình yêu và được  thúc đẩy bởi hóc môn sinh dục testosterone và oestrogen - ở cả đàn ông và phụ nữ.

Giai đoạn 2: Hấp dẫn

Đây là khoảng thời gian đầy phấn khích mà bạn bay bổng trong tình yêu, chả nghĩ được điều gì khác. Các nhà khoa học cho rằng có ba chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến giai đoạn này, đó là adrenaline, dopamine và serotonin.

Adrenaline: Những giai đoạn đầu tiên khi yêu một người kích hoạt những phản ứng của bạn, gia tăng mức độ luân chuyển của adrenaline và cortisol. Điều này có tác động quyến rũ đến nỗi khi bạn tình cờ gặp người trong mộng, bạn bắt đầu đổ mồ hôi, tim bạn đập nhanh và miệng khô hơn.

Dopamine: Helen Fisher đã đề nghị kiểm tra não bộ của những cặp đôi vừa mới yêu nhau và khám phá ra rằng họ có nồng độ cao của chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Chất hóa học này khơi nguồn cho cảm giác dễ chịu lan tỏa mãnh liệt. Nó cũng có tác động tương tự với bộ não như là dùng cocain vậy.

Fisher cho biết, “những cặp đôi thường thể hiện dấu hiệu của chất dopamine như: gia tăng năng lượng sống, giảm nhu cầu về ngủ và ăn, tập trung sự chú ý và những ấn tượng mạnh mẽ vào những chi tiết nhỏ bé nhất của cuộc tình”.

Và cuối cùng là chất serotonin. Một trong những chất hóa học quan trọng nhất của tình yêu có thể giải thích tại sao chúng ta bị sét đánh bởi ai đó, làm thế nào anh ấy hay cô ấy cứ bay nhảy trong suy nghĩ của chúng ta và ở đó hoài.

Tình yêu liệu có thay đổi cách bạn suy nghĩ không?

Một thí nghiệm ở Pisa, Ý có thể cho thấy rằng tình yêu mới chớm - ở giai đoạn hấp dẫn - thực sự thay đổi cách mà bạn nghĩ.

TS Donatella Marazziti, chuyên gia về tâm thần học từ đại học Pisa đã thực hiện nghiên cứu trên 20 cặp đôi vừa mới yêu 6 tháng. Bà muốn xem xét cơ chế của não bộ khiến người ta không ngừng nghĩ đến người yêu của mình, được xem như có liên quan đến cơ chế não bộ của những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức (những người thường xuyên lặp đi lặp lại một ý nghĩ hoặc hành vi một cách vô nghĩa mà không kiểm soát được).

Bằng cách xem xét mẫu máu của những cặp đôi yêu nhau, TS Maeeazziti đã khám phá ra rằng mức độ serotonin thấp ở những bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức.

Những người mới trúng sét ái tình thường lý tưởng hóa người yêu của mình, thổi phồng lên những ưu điểm, biện hộ cho nhược điểm, theo Ellen Berscheid, một nhà nghiên cứu tâm lý hàng đầu về tình yêu.

Những cặp đôi mới yêu cũng thường đề cao tán tụng tình yêu của mình. “Hầu như ai cũng nghĩ rằng cuộc tình của mình là mối quan hệ sâu đậm và đặc biệt hơn bất cứ mối tình nào”. Các nhà tâm lý học cho rằng điều này là cần thiết. Khi chúng ta nhìn tình yêu bằng cặp kính màu hồng, chúng ta sẽ muốn ở bên nhau mãi mãi để bước vào giai đoạn tiếp theo của tình yêu, đó là sự gắn kết.

Giai đoạn 3: Sự gắn kết

Sự gắn kết là mối quan hệ ràng buộc khiến cặp đôi ở bên nhau, sinh con và nuôi chúng lớn lên. Các nhà khoa học nghĩ rằng có thể có hai hormone chính liên quan đến cảm giác gắn bó này, đó là oxytocin và vasopressin.

Oxytocin - Hormone vuốt ve là hormone mạnh mẽ được giải phóng bởi đàn ông và phụ nữ khi đạt đến khoái cảm. Hormone này có thể làm sâu sắc hơn cảm xúc gắn bó và làm các cặp đôi cảm thấy gần gũi với nhau hơn sau cuộc “yêu”. Giả thiết này đi đến kết luận, những cặp đôi nào “yêu” nhau nhiều hơn, sự gắn bó của họ càng thêm khăng khít.

Oxytocin dường như cũng giúp xây dựng nên sự gắn bó mạnh mẽ giữa mẹ và bé, nó cũng xuất hiện trong suốt thời kỳ sinh đẻ. Hormone này cũng chịu trách nhiệm cho sự tiết sữa tự nhiên của mẹ khi lần đầu tiên nhìn hay nghe thấy tiếng con mình.

Vasopressin là một hormone quan trọng khác trong quá trình gắn bó lâu dài của các cặp đôi và nó cũng xuất hiện sau khi họ làm tình. Vai trò tiềm năng của nó trong mối quan hệ gắn bó được khám phá khi các nhà khoa học nghiên cứu trên chuột đồng.

Chuột đồng giao cấu không chỉ vì mục đích sinh sản mà còn nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của chúng. Cũng giống như con người, chúng thường tạo thành các cặp đôi gắn bó lâu dài. Khi chuột đồng đực được tiêm một loại thuốc nhằm vô hiệu hóa tác động của vasopressin, mối gắn kết giữa chúng với bạn tình bị triệt tiêu ngay lập tức, chúng mất đi sự tận tâm với bạn tình và chẳng thể nào bảo vệ bạn mình trước sự tấn công của các chàng chuột khác.

VÀ CUỐI CÙNG... LÀM THẾ NÀO ĐỂ YÊU?

Nhà tâm lý học đến từ Đại học York, Arthur Arun đã nghiên cứu về lý do tại sao con người lại yêu. Ông đã đề nghị những đối tượng nghiên cứu của mình thực hiện ba bước trên của tình yêu và phát hiện ra rằng nhiều cặp đôi đã bị lôi cuốn lẫn nhau mạnh mẽ chỉ sau 34 phút thử nghiệm. Hai trong số đó đã kết hôn sau đó.

SAO BẠN KHÔNG THỬ XEM?

*Tìm ra một người lạ.

*Chia sẻ với nhau về cuộc sống của bạn trong nửa tiếng.

*Sau đó, nhìn vào mắt người kia mà chẳng nói lời nào trong 4 phút.