- Nâng cao nhận thức để thích ứng với biến đổi khí hậu
- Gióng lên hồi chuông báo động về biến đổi khí hậu
![]() |
ASEAN là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu |
ASEAN trước những thách thức từ biến đổi khí hậu
Để duy trì đà phát triển bền vững, hơn bao giờ hết, ASEAN cần cùng nhau hành động một cách thiết thực, quyết liệt và có trách nhiệm. Năm 2024, ASEAN được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, và dự kiến sẽ vươn lên vị trí thứ tư vào năm 2040. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực chủ yếu dựa trên mô hình xuất khẩu, tận dụng lợi thế lực lượng lao động trẻ, chi phí sản xuất cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi. Tuy nhiên, đằng sau triển vọng lạc quan đó, ASEAN đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Về mặt địa lý, Đông Nam Á có đường bờ biển dài, là cầu nối chiến lược của các tuyến thương mại hàng hải giữa Đông Á, Trung Đông và châu Phi. Vị trí này mang lại lợi thế lớn cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng chính là khu vực thường xuyên hứng chịu bão nhiệt đới và thiên tai. Theo thống kê, Tây Bắc Thái Bình Dương, khu vực có ASEAN tọa lạc, là nơi có hoạt động bão mạnh nhất thế giới, chiếm đến 30% tổng số cơn bão toàn cầu. Từ năm 1970 đến 2019, gần một nửa số cơn bão tại lưu vực này đã đổ bộ vào Đông Nam Á, đặc biệt Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão trở nên mạnh hơn, khó dự đoán hơn, đi kèm với các đợt nắng nóng cực đoan, lũ lụt, hạn hán kéo dài và sạt lở đất. Những hiện tượng này không chỉ hủy hoại cơ sở hạ tầng, làm gián đoạn giao thông mà còn phá hủy mùa màng, đẩy hàng triệu người vào tình trạng nghèo đói, mất sinh kế.
Tác động của biến đổi khí hậu đến chuỗi cung ứng toàn cầu là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng với ASEAN, khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu các mặt hàng điện tử, kim loại, khoáng sản, nông sản và dệt may. Trong đó, ngành điện tử - xương sống của sản xuất công nghiệp - rất dễ bị tổn thương trước thiên tai. Dù một số nhà máy có thể được thiết kế để chịu bão, nhưng khi cơ sở hạ tầng điện, viễn thông, giao thông bị gián đoạn thì toàn bộ chuỗi cung ứng vẫn bị ảnh hưởng. Điển hình, siêu bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam năm 2024 đã gây thiệt hại nặng cho hệ thống logistics, ảnh hưởng dây chuyền sản xuất hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp vốn chiếm tỷ trọng lớn về lao động tại ASEAN lại đặc biệt nhạy cảm trước biến đổi khí hậu. Hạn hán, xâm nhập mặn, thay đổi chu kỳ mùa vụ... đang đe dọa đến an ninh lương thực của khu vực. Trong khi đó, phần lớn người nông dân lại là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, ít có khả năng thích ứng khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, khoảng 98% doanh nghiệp trong ASEAN là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Dù chỉ chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng khu vực MSME đóng góp tới 66% việc làm và 41% GDP toàn khối. Việc thiếu khả năng chống chịu thiên tai và nguồn lực tài chính phục hồi khiến các doanh nghiệp này dễ bị tổn thương nghiêm trọng trước các cú sốc khí hậu.
ASEAN cần hợp tác mạnh mẽ hơn
Thực tế đã chỉ ra rằng, không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết những tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu. ASEAN cần hành động như một khối thống nhất, đồng lòng và có cơ chế hợp tác hiệu quả hơn bao giờ hết. Trong những năm qua, ASEAN đã xây dựng nhiều khung chính sách môi trường và khí hậu như: Kế hoạch hành động ASEAN về biến đổi khí hậu, Khuôn khổ hợp tác môi trường ASEAN, Chiến lược Biến đổi khí hậu ASEAN, cùng các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cần chuyển từ “đối thoại” sang “hành động thực chất”. Việc thực hiện các cam kết khí hậu vẫn còn phân tán, thiếu cơ chế giám sát cụ thể, trong khi nhu cầu về vốn, công nghệ, nhân lực và năng lực thể chế ở một số nước thành viên vẫn còn nhiều hạn chế.
Chính vì thế, cùng với nỗ lực của mỗi thành viên, ASEAN đã chung tay hợp tác, hành động để chống biến đổi khí hậu, vì sự phát triển bền vững. Một trong những nỗ lực hợp tác chống biến đổi khí hậu của ASEAN là Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường lần thứ 36 (ASOEN-36), dự kiến tổ chức từ ngày 28 đến 31-7 tới tại Langkawi, Malaysia. Đây là hội nghị môi trường cấp cao thường niên của ASEAN, với sự tham gia của đại diện từ 10 nước thành viên, nhằm rà soát, thúc đẩy các chương trình hợp tác khu vực về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý chất thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những nội dung trọng tâm của ASOEN-36 là xây dựng Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu để trình lên Hội nghị COP30, nơi quy tụ các quốc gia thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Việc ASEAN đưa ra tuyên bố chung sẽ thể hiện lập trường đoàn kết và tiếng nói chung của khu vực, khẳng định vai trò tích cực, có trách nhiệm trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
ASOEN-36 cũng sẽ có các phiên họp kỹ thuật chuyên đề về đa dạng sinh học, đô thị bền vững, chất thải, tài nguyên nước và quản lý rủi ro thiên tai. Malaysia - nước chủ nhà - sẽ giới thiệu các sáng kiến nổi bật của mình như Kế hoạch phát triển bền vững ASEAN, hướng dẫn triển khai kinh tế tuần hoàn và các mô hình giảm phát thải carbon quy mô cộng đồng. Ngoài ra, hội nghị cũng là dịp để ASEAN tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài như Nhật Bản (trong khuôn khổ Đối thoại AJDEC), Mỹ, Hàn Quốc, EU và ASEAN+3. Đây là cơ hội quan trọng để huy động nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế.
Sau ASOEN-36, Malaysia cũng sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN (AMME) lần thứ 18 vào tháng 9-2025. Sự kiện này dự kiến sẽ thông qua các sáng kiến hành động tập thể, nhằm tạo bước chuyển từ chính sách sang thực tiễn, đảm bảo tính hiệu quả và gắn kết trong bảo vệ môi trường khu vực. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất trong thế kỷ 21 và ASEAN không thể đứng ngoài cuộc. Chống biến đổi khí hậu không còn là lựa chọn, mà là con đường sống còn để đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn và thịnh vượng cho hơn 600 triệu người dân Đông Nam Á. ASEAN cần mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, bền vững và bao trùm; đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, tài chính khí hậu; thúc đẩy vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp và thế hệ trẻ trong các sáng kiến khí hậu.
Chỉ bằng cách cùng nhau hành động, ASEAN mới có thể vượt qua những rủi ro hiện hữu, xây dựng một tương lai xanh, nơi kinh tế phát triển hài hòa với thiên nhiên, và mỗi người dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững. Đây chính là sứ mệnh, là cơ hội và là trách nhiệm lịch sử của ASEAN hôm nay.