Aqua One- Sông Đuống "bỏ rơi" dự án cấp nước sạch về nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Sau khi hoàn thành mạng lưới cung cấp nước sạch cho các khu vực đô thị phát triển ở phía Tây Hà Nội như Hà Đông, Hoàng Mai... chủ đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống rút khỏi dự án đưa nước sạch về các xã vùng nông thôn ở Sóc Sơn và Đông Anh.

Xin dừng đầu tư sau 5 năm không triển khai

Theo phản ánh của cử tri trên địa bàn một số huyện ngoại thành Hà Nội, do thiếu hệ thống nước sạch nên đời sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, dự án cấp nước sạch về nông thôn ở Hà Nội đã triển khai từ lâu nhưng đến nay, nhiều xã tại các huyện ngoại thành vẫn “dài cổ” ngóng chờ nước sạch từ các nhà máy nước trên địa bàn TP.

Cụ thể, thống kê cho thấy, đến nay, địa bàn huyện Sóc Sơn còn 18 xã chưa có nước sạch, Thạch Thất còn 11 xã, Đông Anh 4 xã, Phúc Thọ 9 xã…

Người dân huyện Sóc Sơn "khát" nước sạch sinh hoạt từ nhiều năm nay

Người dân huyện Sóc Sơn "khát" nước sạch sinh hoạt từ nhiều năm nay

Trước đó, để đảm bảo toàn bộ người dân khu vực nông thôn đến năm 2025 được cung cấp nước sạch, UBND TP đã ban hành nhiều kế hoạch hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025…

Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện của một số nhà đầu tư còn chậm trễ dẫn đến mục tiêu chung về đảm bảo an sinh cho người dân gặp khó khăn. Thậm chí, có nhà đầu tư như Công ty CP nước Aqua One và Công ty CP nước mặt Sông Đuống sau khi vươn hệ thống cấp nước phủ kín khu vực phía tây TP như Hà Đông, Hoàng Mai… đã rút luôn khỏi việc cấp nước sạch cho các xã của huyện Sóc Sơn và Đông Anh.

Cụ thể như, tại huyện Sóc Sơn, để triển khai việc cung cấp nước sạch cho các xã chưa có nước sạch của huyện, từ năm 2017, UBND TP đã giao liên danh Công ty CP nước Aqua One và Công ty CP nước mặt Sông Đuống (Aqua One - Sông Đuống) triển khai thực hiện dự án cấp nước cho huyện Sóc Sơn. Song việc triển khai dự án của nhà đầu tư quá chậm.

Nhằm đảm bảo tiến độ, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản đôn đốc các nhà đầu tư phối hợp thực hiện, rà soát, thống nhất giải pháp cấp nước cho các xã còn lại của huyện Sóc Sơn. Nhưng thay vì rốt ráo thực hiện, liên danh Aqua One - Sông Đuống lại có văn bản đề xuất không đầu tư 18 xã còn lại của huyện Sóc Sơn.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống rút khỏi nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho các xã của Sóc Sơn và Đông Anh

Nhà máy nước mặt Sông Đuống rút khỏi nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho các xã của Sóc Sơn và Đông Anh

Liên danh Công ty CP nước Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống cũng là đơn vị thực hiện dự án phát triển, phân phối cho 9 xã thuộc huyện Đông Anh theo quyết định của UBND TP từ năm 2017. Tuy nhiên, đã 5 năm qua, 4/9 xã này vẫn chưa có nước sạch gây nhiều bức xúc dù các Sở, ban ngành cũng đã có văn bản đôn đốc.

Mới đây, ngày 23/8/2022, liên danh Aqua One - Sông Đuống một lần nữa có văn bản đề xuất chỉ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cho 2 xã Vân Hà, Liên Hà của huyện Đông Anh, cam kết sẽ hoàn thành trong năm 2022 và không đầu tư tại 2 xã Bắc Hồng, Thụy Lâm.

Ngoài ra, liên danh công ty này cũng đề xuất không tiếp tục đầu tư cấp nước sạch cho các xã của huyện Sóc Sơn.

Nhà máy nước mặt Sông Hồng triển khai ì ạch

Nhà máy nước mặt Sông Hồng triển khai ì ạch

Trên cơ sở này, UBND TP đã có văn bản giao Sở KH-ĐT làm thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch của 18 xã thuộc huyện Sóc Sơn.

Đồng thời, TP cũng giao Sở Xây dựng làm việc với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Đông Anh, Ba Vì và các nhà đầu tư để rà soát, thống nhất giải pháp phù hợp với hiện trạng cấp nước và quy hoạch cấp nước, kế hoạch cấp nước đã ban hành.

Cụ thể, đối với huyện Sóc Sơn, Sở Xây dựng đề xuất giao Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Anh, Công ty CP cấp nước Mê Linh.

Tại huyện Đông Anh, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP giải pháp cấp nước cho khu vực các xã còn lại huyện Đông Anh do Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội thực hiện nghiên cứu đầu tư mở rộng phát triển mạng cấp nước cho 3 xã Bắc Hồng, Thụy Lâm, Cổ Loa; Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội đầu tư mạng cấp nước cho thôn Đoài, xã Nam Hồng.

Nhà đầu tư tháo chạy vì lợi nhuận thấp?

Trên địa bàn huyện Đan Phượng, hiện nhà máy nước mặt sông Hồng do Công ty CP nước mặt sông Hồng được thành lập bởi ba pháp nhân gồm: Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty CP Thành Long, Công ty CP Đầu tư xây dựng và hạ tầng nước sạch Hà Nội thực hiện.

Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng được xây dựng tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) có tổng diện tích hơn 21 ha, với số vốn đầu tư gần 3.700 tỷ đồng. Sau 7 năm thi công, nay khối lượng công việc mới hoàn thành được khoảng 90%, công suất thiết kế giai đoạn một là 300.000 m3/ngày đêm.

Công trình dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2018 và gia hạn đến 2020, tuy nhiên đến nay, dự án vẫn còn ngổn ngang, chậm tiến độ.

Nhìn nhận về việc các nhà đầu tư rút khỏi dự án cấp nước sạch vùng nông thôn hoặc tiến độ triển khai chậm trễ, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cấp nước sạch về vùng nông thôn thu lời ít, thậm chí đối diện nguy cơ thua lỗ trong những năm đầu do tỷ lệ các hộ dân dùng còn ít, sản lượng sử dụng cũng ít trong khi phải đầu tư mạng lưới truyền dẫn.

Dù vậy, với một số dự án như Nhà máy nước mặt Sông Đuống, ngay từ khi lập dự án thì mục tiêu cấp nước cho vùng nông thôn các huyện Sóc Sơn, Đông Anh đã nêu rõ nhưng nhà đầu tư chỉ hướng nhiều tới các khu đô thị, khu dân cư đông đúc rồi rút khỏi vùng nông thôn là cách làm thiếu trách nhiệm, đặt nặng lợi ích của doanh nghiệp thay vì chia sẻ với thành phố và cộng đồng dân cư.