Áp lực tình thương

ANTĐ - Hiện nay, không ít ông bà, cha mẹ quan niệm cần uốn nắn trẻ từ sớm, bằng cách không bao giờ cho phép con được lựa chọn mà nhất nhất phải tuân theo lời cha mẹ. Điều này khiến các bé có phản ứng chống đối, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ…

Trẻ em cần được chia sẻ, khuyến khích hơn là sự áp đặt. Ảnh minh hoạ


Hết mắng đến đe nẹt

“Đưa mũ và khăn bà quàng cho kẻo lạnh” - bà nội cu Bin vừa nói vừa nhanh tay lấy chiếc mũ đội lên đầu và quàng khăn cho đứa cháu nội. Bất ngờ, cu Bin giật phăng chiếc mũ ra khỏi đầu mếu máo: “Bin nóng lắm không đội mũ đâu”. Bà nội bực mình: “Thằng Bin nhà này không biết giống ai mà ngang lắm. Cứ phải thẳng tay trị từ nhỏ mới nên người được”. Chị Khánh Ly, mẹ cu Bin nhân viên kế toán một công ty kinh doanh bất động sản chia sẻ: “Mẹ chồng tôi thường hay áp đặt như vậy. Trong khi con trai tôi lại có tính chống đối kịch liệt nếu không vừa ý. Chính vì thế, cháu hay bị bà quy tội “bướng, cứng đầu, cứng cổ”. Với những chuyện tương tự, tôi xử sự khác. Chẳng hạn, khi thấy cháu mặc một chiếc áo ưa thích mấy ngày liền mà không chịu thay, tôi sẽ từ từ khuyên: “Bin mà mặc cái áo này lâu quá cô sẽ phê bình, các bạn không dám ngồi cạnh Bin nữa đâu”, thế là cu cậu thay ngay. Nếu lựa lời khuyên bảo thì cháu sẽ nghe, bằng không cháu thường có thái độ không hợp tác, thậm chí tỏ ra cứng đầu”.

Khác với gia đình chị Ly, người hay áp đặt cậu con trai 4 tuổi - tên ở nhà thường gọi là Cu Te - con chị Nga không phải là bà nội mà là chồng chị. Mặc dù cậu bé rất hiếu động nhưng có “chính kiến” ngay từ nhỏ. Con chị đều tỏ rõ quan điểm thích hoặc không thích những món ăn mà chị nấu. Chính vì thế, hễ cho con ăn món gì, chị Nga đều hỏi xem con có thích ăn hay không. Tuy nhiên, chồng chị lại không đồng ý với quan điểm này. Anh cho rằng: “Cứ chiều con thế sẽ hư. Cho cái gì thì phải ăn hết. Không ăn thì cho nhịn”. Không ít lần Cu Te bị bố “đánh đòn” chỉ vì tội không thích ăn này. Trong xã hội hiện nay, trẻ dường như biết nhiều hơn những gì mà người lớn suy nghĩ. Do đó, cá tính của trẻ được hình thành và phát triển ngay từ khi còn nhỏ. Đây cũng là giai đoạn trẻ phát triển sự độc lập nhất định, các bé muốn được làm theo ý mình.

Chia sẻ tốt hơn áp đặt

Theo Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú, ít có bậc cha mẹ nào tự nhận mình đang áp đặt con cái mà họ nghĩ rằng họ làm vậy vì muốn cho con nên người. Những điều cha mẹ dạy con sẽ có giá trị khi được đứa trẻ hấp thụ một cách tự nguyện chứ không phải bằng sự miễn cưỡng. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của trẻ, lắng nghe và chia sẻ với con hơn là giáo huấn một chiều. Cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ tốt đẹp từ hai phía dựa trên sự tôn trọng và tin cậy con cái, cho phép trẻ được độc lập và trưởng thành theo lứa tuổi bằng cách xây dựng ý thức tự giác và trách nhiệm trong cuộc sống, qua đó nâng cao lòng tự trọng, nhận ra được tầm quan trọng của các quyết định bản thân. Tuy vậy, cha mẹ cũng cần nắm được cảm xúc của trẻ để định hướng cho con có suy nghĩ và hành động phù hợp. Khi có bất đồng với con cái, cha mẹ cần khéo léo, không nên nhanh chóng kết tội, mắng mỏ con. Bởi những điều này dễ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ dễ có những phản ứng tiêu cực.

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, cha mẹ đồng cảm với con sẽ giúp trẻ tự nhận ra thiếu sót và có thêm sức mạnh thay đổi bản thân, xứng đáng với niềm tin và mong muốn của cha mẹ. Thay vì bắt con phải rập khuôn theo một hình mẫu nào đó mình cho là đúng, các bậc cha mẹ hãy tìm hiểu điểm mạnh của con để phát huy. Trên thực tế, có một số việc khi bị bố mẹ bắt buộc dù không thích nhưng trẻ vẫn làm. Do không xuất phát từ sự tự giác nên những việc làm này không có tính bền vững. Mặt khác, sự áp đặt của cha mẹ có thể khiến con cái sợ sai, không sáng tạo, không dám tự quyết định việc gì. Do đó, để con nghe và làm theo ý mình thì trước hết các bậc phụ huynh cần cho con biết tại sao chúng ta phải làm thế. Hiểu ra, trẻ sẽ tự quyết định và cố gắng thực hiện đến cùng. Việc giáo dục kỹ năng cho con cần có kế hoạch, từ từ, không được nóng vội. Bên cạnh đó, cha mẹ cần ghi nhận và khuyến khích những gì trẻ làm được. Khi trẻ mắc lỗi, thay vì trách móc, cha mẹ nên giúp con tìm giải pháp khắc phục.

Điều quan trọng nhất là hãy tôn trọng ý kiến của con cái. Đó mới là tình yêu thương thực sự mà trẻ cần.