Ăn Tết trên đảo Hải tặc

ANTĐ - Anh bạn phóng viên thường trú Kiên Giang của một tờ báo phía Bắc gọi điện cho tôi đúng vào chiều mồng hai Tết Quý Tỵ: Em có việc phải ra đảo Hòn Tre. Anh có đi cùng em không? Không một phút chần chừ, tôi chuẩn bị hành lý. Cơ hội ăn Tết trên quần đảo Hải Tặc, phên dậu của đất nước trên biển Tây, đến với tôi tình cờ như vậy.
Quần đảo của những truyền kỳ
Nằm cách Hà Tiên hơn 20 km đường biển, quần đảo Hải Tặc thuộc địa bàn xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thời Pháp, quần đảo này thuộc làng Tiên Hải, tỉnh Hà Tiên. Quần đảo Hải Tặc có diện tích đất nổi 1.100ha, gồm 16 hòn đảo, rải rác trên diện tích biển 40 km2. Những đảo chính gồm: Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước Non, Hòn Bô Dập, Hòn Đồi Mồi…
Mặc dù những người dân Việt mới ra quần đảo Hải Tặc sinh sống trên 60 năm, nhưng lịch sử cũng như truyền kỳ về nó thì đã được ghi chép trong sách vở và trong những câu chuyện khốc liệt truyền miệng từ đời này sang đời khác. Nằm gần tuyến giao thông biển từ Ấn độ đến Trung Hoa, tuyến đường biển được ví như con đường tơ lụa thứ hai, với lợi thế nhiều đảo nhỏ che khuất, nhiều vịnh nhỏ lặng sóng, quần đảo này nhiều đời đã trở thành căn cứ của bọn cướp biển, và sau khi những người dân nghèo lên định cư tại quần đảo này họ cũng trở thành nạn nhân của bọn cướp biển. Vì vậy từ thế kỷ 16 quần đảo này đã được gọi là quần đảo Hải Tặc.
Theo nhà sử học Trương Minh Đạt (chuyên gia nghiên cứu lịch sử vùng Hà Tiên, Kiên Giang) nạn cướp biển đã có từ thời cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai trị đất Hà Tiên (thế kỷ 17) và còn kéo dài đến thời Pháp thuộc (thế kỷ 18). Nạn cướp biển xuất hiện vào thời kỳ này với hàng loạt vụ cướp có tổ chức và quy mô lớn. Quần đảo Hải Tặc nằm trên tuyến đường thông thương rất quan trọng nên đã được chúng chọn làm hang ổ để phục kích, thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại. Truyền kỳ về băng cướp có tên Cánh Buồm Đen với dấu hiệu chiếc chổi dựng ngược mũi tàu đến bây giờ vẫn ám ảnh những người dân Kiên Giang.

Sau giải phóng miền Nam năm 1975, tệ nạn cướp biển lại rộ lên, đặc biệt vào những năm 2000 - 2002 bọn cướp biển từ nước ngoài đã gây ra những vụ cướp biển tàn ác làm người dân lo sợ, nhiều người không dám ra biển làm ăn.

Văn phòng tổng hợp Công an tỉnh Kiên Giang cho biết (bằng văn bản chính thức): tháng 8-2002, có tới 10 tàu ngư dân bị hải tặc tấn công, cướp tiền và giết chết 1 người; con số này ở vào tháng 10-2002, là 28 tàu ngư dân bị khống chế, bị cướp đi mất 1.000 USD, 12.000 bạt, và hơn 130 triệu tiền Việt Nam (số tiền này, với ngư dân nghèo khó, là rất rất lớn, đặc biệt là ở thời điểm năm 2002). Tháng tiếp theo của năm 2002, con số là 14 tàu ngư dân bị hải tặc bắt và 11.900 USD tiền chuộc. Có vụ, ngay sát bờ biển thị xã Hà Tiên, cướp biển vũ trang đến tận chân răng, gồm 9 tên áp sát chiếc tàu chở khách từ phường Tô Châu ra đảo Phú Quốc, chúng khống chế 30 hành khách, đánh đập, lục soát, cướp nhiều tài sản rồi lên ca nô chuồn mất. Chỉ đến khi bộ đội biên phòng Kiên Giang triển khai tàu tuần tra có công suất lớn, hỏa lực mạnh cùng kết hợp với lực lượng vũ trang nước bạn, tệ nạn cướp biển khu vực biên giới biển này mới chấm dứt. Bình yên trở lại với vùng biển giàu tôm cá này. 

Có kho báu không?

Câu chuyện Đảo giấu vàng của nhà văn Stevenson với kho báu của bọn cướp biển chinh phục tuổi trẻ toàn thế giới hàng thế kỷ nay cũng thúc giục bao người đi tìm kho báu tại những vùng biển truyền kỳ là căn cứ của bọn cướp biển. Việc đi tìm kho tàng của bọn cướp biển để lại trong quần đảo Hải Tặc không là ngoại lệ. Không kể các vụ việc dân địa phương đổ bộ lên các đảo nhỏ lục tìm đào bới, tháng 3-1983, người dân ở xã Tiên Hải, huyện Kiên Hải dùng tàu biển vây bắt 2 người nước ngoài xâm nhập vào đảo. Khi bị bắt, 2 đối tượng khai tên là Richard Charles Knight-quốc tịch Anh và Frederick Kurt Graham-quốc tịch Mỹ. Hai người này dùng xuồng cao tốc đi từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ. Bị truy vấn, 2 ông Tây khai họ là hậu nhân của những tên cướp biển từng đóng sào huyệt trên hoang đảo này có để lại một bản đồ chỉ nơi giấu kho báu trên quần đảo Hải Tặc. Hai người này sau đó đã bị trục xuất khỏi nước ta.

Ăn Tết trên đảo Hải tặc ảnh 2


Nhưng câu chuyện về kho báu chưa dừng lại. Có rất nhiều người lợi dụng đánh cá, du lịch đi tìm kiếm vận may, nhất là khi dư luận đồn thổi về việc một số ngư dân trong khi lặn bắt thủy sản đã tìm được nhiều hũ tiền cổ, tiền vàng cũng như nhiều cổ vật. Khoảng vài năm trở lại đây, các chum đựng tiền cổ và những đồng tiền cổ lẻ tẻ vẫn liên tục được phát hiện. Nhiều cư dân ở Hòn Tre giữ khá nhiều tiền cổ với niềm tin rằng, đó là một sợi dây nối quý báu để họ hiểu hơn về vùng đất đang sống, nơi hiếm hoi trên địa cầu mang danh “hải tặc” hẳn hoi trên bản đồ hành chính. Ngay một ông chuyên bán đồ lưu niệm ở đảo Hòn Tre cũng từng mò được tiền cổ, những đồng tiền có màu vàng hoa văn lạ mắt. Tuy nhiên dư luận địa phương khẳng định, chưa có bất kỳ người nào tìm kiếm được kho báu. Mặc dù cướp biển trong khu vực diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhưng do đời sống trong khu vực không phải là sung túc, đối tượng cướp cũng chỉ là những thuyền buôn nhỏ cùng thói quen không dùng vàng bạc làm phương tiên thanh toán, rất khó để bọn cướp biển tích tụ được một kho báu đủ lớn. Vì vậy việc đi tìm kho báu chỉ rộ lên trong những năm gần đây làm thi vị thêm cho những tuyến du lịch mới mở tới quần đảo truyền kỳ này.
Thiên đường thủy sản

Ngày nay chuyện cướp biển ở quần đảo Hải Tặc chỉ còn là quá khứ. Hòn Đốc đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Xã đảo Tiên Hải đã có trường cấp II, trạm xá, bưu điện, đường giao thông quanh đảo. Ngư dân có một cuộc sống ấm no. Khách tham quan, du lịch tìm đến đảo ngày một đông. Đã có nhiều dự án đang được triển khai ở đây. 

Cũng giống như các đảo phía nam, Tết trên quần đảo Hải Tặc cũng óng lên màu vàng của hoa mai hoa cúc. Dọc trên bến cảng tấp nập các hàng quán bán thủy sản, hàng ăn uống cà phê giải khát với tiếng hát rộn rã. Quần đảo hiện ra với sức sống mãnh liệt. Đảo lớn bao dung trùm ra mép nước, với sỏi đá sạch tinh tươm, nhẵn thín, cây cổ thụ và hàng dừa xanh rì cong vút. Đảo nhỏ thì nhỏ đến mức có lẽ chỉ vừa để dựng vài cái lều cũng kiêu hãnh nhô lên khỏi mặt biển, xanh thắm. Đảo con có dáng bai bải như bơi gần mãi về phía đảo lớn. Bà con gọi đó là hai đảo Phụ - Tử, đảo bố và đảo con, giống như Hòn Phụ Tử nổi tiếng nằm trong thập cảnh tuyệt kỹ của Hà Tiên.

Sau một giấc ngủ ngon, không mộng mị giữa tiếng sóng biển rì rào, chúng tôi khoan khoái dậy sớm ngắm mặt trời vừa mới nhô lên ở phía quần đảo Bà Lụa, vượt qua Dốc Miếu thoai thoải đổ xuống Bãi Dừa thơ mộng. Một không gian hoang sơ hiện ra với khoảng trời biển bao la, tĩnh lặng. Trên núi, ven rừng thỉnh thoảng có tiếng chim được đặt tên nghe rất lạ như “lấu lấu” hay “bắt cô trói cột” hót lên lảnh lót, vang động rồi yên ắng chìm sâu giữa biển, rừng tịch mịch…

Đặc biệt hải sản ở đây vừa ngon vừa rẻ. Mặc dù đang giữa ngày Tết, bà con ngư dân tạm nghỉ không ra khơi nhưng hải sản ở đây vẫn rất rẻ. Cua, ghẹ chỉ trên 100.000 đồng/kg, tôm biển cũng chỉ có giá đó. Những quán hàng nhỏ xinh với những cô gái da nâu khỏe mạnh nằm sát bờ biển hút hồn bao du khách. 

Hiện nay một số doanh nghiệp du lịch đã mở tuyến du lịch đến quần đảo Hải Tặc, nhưng du khách chưa nhiều và quan trọng hơn, đầu tư vào dịch vụ ở đây cũng chưa lớn. Có thể đó cũng là sự may mắn cho quần đảo này vì đến nay quần đảo cũng vẫn giữ nguyên được những nét hoang sơ. Hy vọng quần đảo này sẽ được nghiên cứu cẩn trọng trong quá trình đầu tư khai thác để mãi mãi là thiên đường cảnh quan du lịch, thiên đường của những truyền kỳ dữ dội... 

Phong tục đón Tết trên quần đảo Hải Tặc cũng có nhiều thú vị. Khác với các tỉnh phía BắcTết trọng không khí gia đình, Tết trên quần đảo trọng tính cộng đồng. Sáng mồng một Tết, bà con bày mâm cỗ lớn ra cảng cá cúng trời đất rồi mời bà con cùng các cán bộ, bộ đội biên phòng đến chung vui và cầu cho một năm mới sung túc. Đặc sản Tết ở đây là bánh tét gói bằng lá mật cật hái trên các đảo hoang dã có màu xanh ngọc, ăn có vị thơm rất lạ. Ngoài thịt lợn thịt gia cầm mâm cơm ngày Tết không thiếu các loại hải sản. Sáng mồng bốn Tết nhiều nhà đã ra biển đánh cá lấy ngày, nhìn đoàn thuyền rời cảng, cờ Tổ quốc trên mũi thuyền tung bay trước gió, những người già thắp thêm một nén nhang lên bàn thờ trước nhà cầu cho một năm sóng yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.