Ấm lòng nơi giá rét

(ANTĐ) - Đến với Tây Bắc lần này, lại đúng vào mùa hoa cúc quỳ nở rộ. Đây là chuyến đi trao quà, hoạt động xã hội thứ bao nhiêu của Báo An ninh Thủ đô đến với bà con vùng khó thì tôi cũng chẳng nhớ nổi. Chỉ biết rất nhiều! Những tải gạo, áo ấm hay căn nhà bán trú cho các học sinh lần này, những chiến sỹ công an làm báo ở Thủ đô trao tặng cũng gói gọn trong tình cảm như thế.
>>>Xuân sớm trên nẻo đường Tây Bắc

Ấm lòng nơi giá rét

(ANTĐ) - Đến với Tây Bắc lần này, lại đúng vào mùa hoa cúc quỳ nở rộ. Đây là chuyến đi trao quà, hoạt động xã hội thứ bao nhiêu của Báo An ninh Thủ đô đến với bà con vùng khó thì tôi cũng chẳng nhớ nổi. Chỉ biết rất nhiều! Những tải gạo, áo ấm hay căn nhà bán trú cho các học sinh lần này, những chiến sỹ công an làm báo ở Thủ đô trao tặng cũng gói gọn trong tình cảm như thế.
>>>Xuân sớm trên nẻo đường Tây Bắc

Ngôi nhà bán trú do Công ty Ajinomoto và Báo ANTĐ tặng thầy trò trường tiểu học Pa Vệ Sử
Ngôi nhà bán trú do Công ty Ajinomoto và Báo ANTĐ tặng thầy trò trường tiểu học Pa Vệ Sử

Quà nhỏ vượt đường xa

Một câu thơ nói về cung đường đến huyện lỵ của tỉnh Lai Châu như thế này; “...Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua sống váy Mèo”. Đường Tây Bắc là thế. Khúc khuỷu, thăm thẳm nối nhau không bao giờ kết thúc. Vừa rồi, chuyến đi trao quà đến Hua Bum và Pa Vệ Sử thuộc huyện Mường Tè, chính những cung đường đầy chất thơ như thế đã làm hỏng 3 trong 4 chiếc xe đưa đoàn đến vùng biên cương xa xôi.

Vừa gặp cô giáo Hà Thị Ngoan ở sân trường, cô đã hỏi: “Thế các anh vào đây có bị tắc đường không”? Tôi cứ tưởng chỉ có đường phố mới xảy ra chuyện này, hóa ra ở đây cũng vậy. Ừ thì đường vừa đi vừa mở là như thế. Trước đây, đường từ Mường Tè đi Hua Bum hay Pa Vệ Sử chỉ đi xe máy hoặc cuốc bộ. Mới đây, dự án mở đường Mường Tè - Pa Tần bạt núi làm hạ tầng thì ô tô mới vào được đến xã, nhưng cũng còn xấu lắm.

Sân trường Tiểu học Hua Bum có một đêm ấm áp. Ấm từ những ánh lửa trại đêm gặp mặt, ấm từ cuộc sum họp tay trong vòng tay đưa theo nhịp xòe Thái. Ngay từ buổi chiều khi chúng tôi đặt chân đến Hua Bum, là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng thầy và trò đã dựng sẵn một sân khấu ngoài trời để đón tiếp người miền xuôi chúng tôi. Bà con 4 bản Pa Mu, Chang Chảo Pá, Pa Cheo, Nặm Nghẹ xã Hua Bum đã gác việc nương rẫy thì phải, đến sân trường từ khi ánh đèn còn chưa bật. Niềm vui, trang phục của bà con Hà Nhì, Mảng và màu áo của những người chiến sỹ như sáng lên trong ánh lửa vùng biên cương Hua Bum.

Buổi gặp mặt trao quà cho các em học sinh của những chiến sỹ công an làm báo ở Thủ đô và của chiến sỹ trường 24 của Bộ đội Biên phòng trở thành đêm tất niên đánh thức núi rừng biên giới, đón mùa xuân mới. Đại úy Dương Văn Út, Đồn phó trinh sát Đồn Biên phòng 305 Hua Bum, bảo: "Tết ở đây được báo hiệu bằng hoa rừng mùa lạnh. Hôm nay vui quá, có lẽ đó là cái Tết đến sớm đáng nhớ đối với bà con nơi biên cương”.

Tết đã đến sớm nơi biên cương đầy ấm áp. Góc vườn Đồn 305 cánh đào đã phớt hồng. Ngày mai lên nương, trở lại với lao động vất vả thường nhật, buổi tối hôm nay sẽ là niềm vui thật khó quên. Và ngày mai, các em chuyển từ mái lều tranh gió thốc sang căn phòng bán trú mới xây sẽ cảm thấy ấm áp hơn, muốn đến trường học chữ hơn...

“Mặt trời ở lại”

Ngôi nhà bán trú do Công ty Ajinomoto và Báo An ninh Thủ đô xây dựng tặng các em học sinh bên cạnh điểm trường Tiểu học Pa Vệ Sử. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng bảo: “Trước đây, các em học sinh phải vượt núi, đi bộ cả ngày trời để đến lớp. Ngôi nhà bán trú này sẽ không chỉ giúp các em bớt khổ, mà còn giúp thầy cô giáo vơi đi vất vả, lo lắng sợ các em không đến lớp”. Vậy là từ nay các em học sinh sẽ bớt lạnh hơn vào mùa đông, bớt nắng vào mùa hè, không còn bị ướt vào mùa mưa nào nữa. 

Tôi chợt nhớ câu tếu của anh Hoàng Quốc Hội, Phó chủ tịch MTTQ huyện Mường Tè: “Các thầy cô ở đây chỉ sợ mất… dạy”. À, thì ra là vậy. Ở đây để các em đi học thì các thầy cô phải vận động vất vả lắm! Có khi mấy ngày đường đến bản, gặp cha mẹ để động viên các em đi học thì được trả lời “học nó không ra gạo được đâu...”.

Vậy đấy, ở nơi con chữ chưa khuất phục được cái nghèo thì chuyện các em đến trường là điều rất khó. Thế mới thấy, ở Pa Vệ Sử hay Hua Bum hiếu học thật. Tổng dân số 3 nghìn nhân khẩu mà có trên 300 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Tôi hiểu được, để các em đến trường đông như vậy thì các thầy cô và chiến sỹ biên phòng đã hy sinh rất nhiều.

Ở nơi đâu cũng thế, đồn biên phòng không chỉ là chỗ dựa vững chắc mà còn như anh em ruột thịt với bà con, đặc biệt ở vùng gian khó tình quân dân càng thắt chặt, Đồn Biên phòng 307 cũng vậy. Một xã vùng biên 100% là đồng bào La Hủ, có phong tục tập quán riêng, vậy mà giờ đây tình quân dân thắm chặt như rễ hoa ban vùng Tây Bắc. Nhiều đồng chí nói tiếng của bà con thông thạo lắm. Người lính mang quân hàm xanh là vậy, nơi đóng quân đều là quê hương thứ hai. Vất vả gian nan, nhưng tất cả đều được vượt qua bằng câu nói, nụ cười: "Người lính mà".

Món quà chia tay mà Trung tá Nguyễn Tuấn, Trưởng đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô gửi tặng tình cờ như lời nhắn gửi những chiến sỹ ở lại canh giữ nơi biên cương -  "Mặt trời ở lại". Thượng tá Nguyễn Phú Tám - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 307 xúc động bảo: “Tôi sẽ luôn nhớ các anh, những chiến sỹ Công an Thủ đô làm báo, khi đọc từng trang sách này". Hy vọng rằng, tình cảm của chúng tôi sẽ ở lại mãi như Mặt trời ở lại với mảnh đất này trong giá rét mùa đông.

Đức Tuấn - Hoàng Trung