Âm ỉ luật “ngầm” xe khách

ANTĐ - Không thể thống kê có bao nhiêu đối tượng đứng ra bảo kê, làm “cò”chăn dắt khách cho các nhà xe, cả xe chính hãng lẫn xe dù. Nhưng có một sự thật hiển nhiên: Ăn “cơm” của nhà xe nào thì phải “rào” nhà xe đó. Thế nên, những nhà xe không có “cò”, không có bảo kê sẽ gặp đủ chuyện rắc rối trên đường.

Sau khi xuất bến, 2 chiếc xe khách này đỗ ngay đầu cổng bến Mỹ Đình đón khách

Xe dù tung hoành

Qua nhiều cuộc điện thoại hẹn, chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Quang Tùng, chủ một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh vận tải hành khách tại bến xe Mỹ Đình. Sau khi cẩn thận xem kỹ thẻ phóng viên của tôi tại một quán trà đá ở góc khuất nhất trong bến xe, anh Tùng nói như phân trần: “Nhà báo thông cảm, làm nghề này khó tránh khỏi thái độ cảnh giác với người lạ. Chưa nói tới đám lưu manh côn đồ, dù cùng là các nhà xe với nhau nhưng vì lợi nhuận, tranh giành khách, chuyện lén “chơi bẩn” nhau luôn xảy ra”. Chẳng phải nói đâu xa, ngay như doanh nghiệp của anh Tùng vài ba tháng lại có ít nhất một vài vụ chạm giữa lái xe với các nhóm bảo kê của nhà xe khác.

Nói về xe dù anh Tùng cho biết, bến xe nào cũng có. Để kiểm chứng, theo chỉ dẫn của anh Tùng, trong 30 phút ngồi tại cổng ra của bến xe Mỹ Đình, chúng tôi đếm được không dưới 20 tay “cò” đứng ra chăn dắt khách cho xe dù. Khi chiếc xe giường nằm loại cao cấp chạy tuyến Hà Nội-Thanh Hóa vừa xuất bến, chiếc xe khách 16 chỗ chạy cùng tuyến đỗ gần đó cũng nổ máy, nhao bổ lên chặn đầu. Lái xe 16 chỗ miệng ngậm lệch điếu thuốc thả ga từ từ để chiếc xe nhẩn nha chắn phía trước, không cho xe giường nằm vượt lên. Ra đến đường Phạm Hùng, mặc dù đã thoáng, có đủ chỗ vượt nhưng không thấy chiếc xe giường nằm vọt lên mà nhẫn nhịn đi đằng sau. Qua khu vực làng Đình Thôn, chiếc xe 16 chỗ bất ngờ tăng tốc rồi táp ngay vào lề đường khi thấy một nhóm khách vẫy xe. Phụ xe khách giường nằm dù đứng sát cửa lên xuống nhưng cũng chỉ mời bằng cái giọng rất nhỏ chứ không dám vẫy hoặc nhảy xuống đường đón khách lên. Cho đến khi chiếc xe 16 chỗ ngồi ních đầy khách phóng vụt đi, lúc này lái xe giường nằm mới dám giục phụ xe mời khách lấp đầy khoang xe.

Qua ghi nhận, từ 6h - 19h hàng ngày, rất nhiều xe dù tập kết tại cổng ra của bến xe Mỹ Đình. Đáng chú ý, riêng từ 4h - 6h sáng, những xe dù từ Hà Tĩnh, Nghệ An kéo nhau lên trả khách tại các điểm đỗ xe ở ngoài cổng bến Mỹ Đình. Nếu phát hiện CSGT, những chiếc xe này phóng đi rồi bất ngờ rẽ ngang quay đầu lại khu vực cổng vào của bến. Thông tin của đại diện một nhà xe trong bến cung cấp, hầu hết các xe này đều có nốt là bến xe Nước Ngầm đi các tỉnh trên. Và để đón, trả khách tại đây, không loại trừ các xe dù này đã làm “luật” với số cò mồi, bảo kê quanh bến.

Có một thực tế là, xe dù được bảo kê không chỉ ép xe lớn phải chạy đằng sau mà khi vắng khách, thừa khi lực lượng bảo vệ không để ý hoặc vắng CSGT chúng còn chui lẩn vào gần bến, hoặc quay vòng nhiều lần ở đầu cổng bến để “vớt” cho đến khi nào đầy khách mới chịu đi. Nhiều nhà xe đăng tài, có nốt trong bến đàng hoàng nhưng vẫn phải chịu lép vế trước xe dù. Có thể kể đến như tuyến Thanh Hóa-Hà Nội, Hà Nội-Thái Bình, Nam Định. Nguyên nhân một phần vì các tuyến này có rất nhiều doanh nghiệp vận tải cùng đăng tài khai thác. Ngoài ra, hoạt động của xe dù trên những tuyến này cũng rất nhộn nhịp. Xe nhiều, khách ít dẫn tới việc phóng nhanh, lừa miếng để tranh giành khách là điều tất yếu. 

Đầu cổng bến xe tập trung rất nhiều cò mồi, xe ôm mời chào khách

Các thủ đoạn dằn mặt

“Tuy vẫn tranh giành đón khách của nhau nhưng giữa các nhà xe có nốt trong bến ít khi “va” nhau nặng, mà chủ yếu xảy ra giữa những xe này với xe dù”-anh Tùng cho hay. Chúng chẳng cần nốt, đăng tài, nhưng nhờ sự giúp đỡ của đám cò mồi, chăn dắt nên thản nhiên vớt khách trên đường. Nếu các nhà xe có thái độ phản ứng, đám cò mồi, bảo kê này sẵn sàng dùng vũ lực để “nói chuyện”. 

Đầu tiên, các lái xe có bảo kê thường dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần để dằn mặt lái xe. Biện pháp nhắn tin hoặc gọi điện thoại yêu cầu lái xe phải đi chậm để nắn gân, “đo” xem thực lực của nhà xe đó mạnh hay yếu rồi tùy cơ ứng biến. Nếu nhà xe nào mạnh, cảm thấy không “bóp” được, chúng sẽ dàn hòa. Còn đối với những nhà xe yếu thế, chuyện bắt phải đi sau xe “gấu” hơn hoặc đột nhiên đang đi bỗng xuất hiện một vài thanh niên không rõ từ đâu nhảy ra chặn đường lăng mạ, thách thức, ném vỡ cửa kính xe cũng không ít. Các đối tượng này khá xảo quyệt thường chọn những địa điểm vắng người, trên các tuyến đường Quốc lộ xa khu dân cư hoặc ít khi có lực lượng CSGT đi kiểm tra để ra tay. Bản thân anh Tùng và lái xe của mình cũng đã không ít lần phải đổ cả máu để bảo vệ xe, hành khách của mình.

Vụ việc nghiêm trọng gần đây nhất có thể kể tới khi Lê Văn Hải, phụ xe khách tuyến Hà Nội-Thanh Hóa dùng điếu cày đánh chết anh Nguyễn Văn Thắng, cũng là phụ xe khách cùng tuyến, xảy ra trên đường Khuất Duy Tiến, sau khi 2 xe xuất bến Mỹ Đình.

Sau vụ án mạng trên, hoạt động bảo kê, cò mồi ở các bến xe hiện không còn lộ liễu như trước mà rút vào bóng tối, tinh vi, kín kẽ hơn nhiều. Để tránh dây dưa với đám này, một số nhà xe đành chấp nhận nộp “phế” khoảng 50 đến 100 nghìn đồng cho một nốt trong ngày. Bản thân anh Tùng cũng từng nhiều lần được một vài nhóm tới đặt vấn đề đứng ra bảo kê nhưng đã bị anh từ chối thẳng thừng.

(Còn nữa)