Ám ảnh những câu chuyện "bán thận xây nhà"

ANTĐ -Nằm cách thủ đô Kathmandu của Nepal 12 dặm về phía đông, ngôi làng Hokse giờ chỉ còn lại là những đống đổ nát hoang tàn và những kiếp người dặt dẹo, u uất, đắm chìm trong bia rượu. Nỗi tuyệt vọng cùng cực đã bao trùm lên toàn ngôi làng được mệnh danh là “làng thận”, khi cơn giận dữ của thiên nhiên đã cướp trắng đi những căn nhà được xây nên từ một phần cơ thể họ: đó là những quả thận.

Về làng Hokse, một trong những ngôi làng nằm trong tâm chấn của cơn động đất mạnh 7,8 độ richter, có thể cảm nhận được một không khí ảm đạm, buồn tẻ đến thê lương.

Đứng tần ngần bên đống gạch mẩu vụn vỡ của ngôi nhà xương máu, cô Geeta, 37 tuổi cho biết đó là tài sản duy nhất của gia đình và được đánh đổi bằng một quả thận của cô. Geeta đã từng rất băn khoăn khi quyết định bán đi một phần cơ thể, nhưng trước gia cảnh túng bấn không có chỗ chui ra chui vào, cô quyết định nghe theo lời em chồng sang Ấn Độ làm thủ tục bán thận.

Với số tiền 1.300 bảng Anh có được, Geeta dùng một phần mua đất ở Hokse, phần còn lại cất một ngôi nhà bằng đá. Thế nhưng, cả gia đình Geeta đã rơi vào cảnh vô gia cư, sau trận động đất kinh hoàng ở Nepal hồi tháng 5 vừa qua. Hiện tại, 5 mẹ con Geeta đang chui rúc trong một túp lều sơ sài dựng bằng ni-lon và các tấm tôn nhỏ.
Ám ảnh những câu chuyện "bán thận xây nhà" ảnh 1Những vết sẹo chạy dài bên sườn của những người đàn ông bán thận

Kể về giấc mơ được sở hữu một ngôi nhà, Geeta cho biết: “Em chồng tôi đã nói chuyện với tôi về việc bán thận, nó bảo rằng tôi chỉ cần một quả. Em tôi đã lừa bán một bên thận của tôi và trận động đất đã cướp trắng ngôi nhà xương máu của gia đình tôi”.

Tuy nhiên, Geeta không phải là trường hợp duy nhất ở Hokse. Hầu hết những người đàn ông và phụ nữ ở ngôi làng này đã bị sức cám dỗ ghê gớm của đồng tiền và bán một quả thận khỏe mạnh của họ cho những kẻ buôn nội tạng ở Nepal.

Những đối tượng này thường xuyên ghé thăm Hokse và các ngôi làng nghèo đói xung quanh, thuyết phục người dân, hứa hẹn về khoản tiền lớn lao họ nhận được nếu hiến đi một bên thận, thậm chí ép buộc và nói rằng quả thận sẽ... mọc trở lại sau khi cắt.
Ám ảnh những câu chuyện "bán thận xây nhà" ảnh 2Geeta đứng bên túp lều tạm bợ sau trận động đất

Thủ thuật đó lại được sử dụng với chính Geeta và cuối cùng bà mẹ 4 con đã tin vào lời nói. “Trong 10 năm qua, hàng trăm người đã đến ngôi làng, thuyết phục tôi bán thận nhưng tôi luôn trả lời không”, Geeta nói.

Nhưng cuối cùng vì cuộc sống khốn khó, Geeta đã đồng ý cùng em chồng sang Ấn Độ. "Tôi đã luôn luôn ước mơ có ngôi nhà của riêng mình và một mảnh đất, tôi thực sự cần nó”, Geeta giải thích.

Ca phẫu thuật cắt thận chỉ diễn ra trong nửa giờ nhưng cô phải nằm viện điều trị trong 3 tuần. “Khi tỉnh dậy, ban đầu tôi cảm thấy dường như không có chuyện gì. Sau đó tôi đã được trả 200.000 rupee Nepal (tương đương 1.300 bảng Anh) và mua đất, làm nhà”, Geeta hồi tưởng lại.

Chồng Geeta cũng không nằm ngoài vòng tròn định mệnh đó, anh cũng cắt bán một quả thận của mình và đang sống dở chết dở khi sức khỏe ngày một suy yếu. Nhiều người đàn ông cùng cảnh ngộ ở Hokse quá chán nản với cuộc đời, đã tìm đến bia rượu để giải tỏa nỗi buồn.
Ám ảnh những câu chuyện "bán thận xây nhà" ảnh 3Ngôi nhà được xây cất từ tiền bán một quả thận của Geeta đã bị thiên tai tàn phá

Đó là trước khi cơn địa chấn 7,8 độ richter xảy ra. Sau thiên tai, số người tuyệt vọng vì cảnh mất nhà cửa ở Nepal là vô số, điều đó cũng đồng nghĩa Nepal sẽ biến thành một “ngân hàng thận”, số người sẵn sàng bán thận mua nhà sẽ tăng gấp đôi so với những năm trước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 10.000 vụ buôn bán nội tạng trái phép, trong đó lên đến 7.000 quả thận được tiêu thụ tại các chợ đen hàng năm ở Nepal.

Các đối tượng mua bán nội tạng hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau. Nạn nhân có thể bị bắt cóc và bị ép buộc cắt bỏ một bộ phận cơ thể, một số người tuyệt vọng vì nghèo đói đã đồng ý bán nội tạng, thậm chí một số người bị sát hại lấy nội tạng, theo các đơn đặt hàng trước đó.

Một vài bệnh viện ở Nepal thực hiện các ca ghép thận. Nhưng ngay cả những bác sĩ Nepal cũng thừa nhận hầu hết các bệnh nhân đều thích sang Ấn Độ. “Họ muốn các dịch vụ tốt hơn, muốn các bác sĩ Ấn Độ làm phẫu thuật”. Tiến sĩ Rishi Kumar Kafle, Giám đốc Trung tâm Thận Quốc gia Nepal cho biết.

Trẻ em có hoàn cảnh nghèo khó và tàn tật là đối tượng chính để những kẻ buôn bán nội tạng nhắm đến. Và thông thường những quả thận sau khi được cắt và đến tay những người giàu có, nó sẽ đội giá lên gấp 6 lần so với số tiền người bán nhận được.

Ông Laxman Lamichhane, một luật sư và là điều phối viên chương trình phi chính phủ Bảo vệ quyền lợi của nhân dân Nepal cho biết: "Mọi người đang cảm thấy bất an và sợ hãi ngay trên quê hương của họ, dù được giám sát an ninh thường xuyên. Họ thường xuyên gặp nhiều người lạ hàng ngày. Một số đối tượng là kẻ buôn bán nội tạng, cố gắng thuyết phục người dân bằng các công việc tốt và cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài”.

Một mặt trái khác ở Nepal là những người bán thận thường bị cộng đồng xa lánh. Khi trở lại làng, họ trở thành câu chuyện cho những khác dèm pha, bàn tán. Con cái của họ cũng bị phân biệt đối xử ở trường. Điều đó khiến nhiều người ngày càng tuyệt vọng và chìm đắm trong bia rượu.

Trong năm 2007, chính phủ Nepal đã thông qua một đạo luật cấm việc buôn bán thận nhưng thị trường thận chợ đen vẫn tiếp tục hoạt động, bất chấp những nỗ lực ngăn cấm của chính phủ.