Ai sẽ ngồi ghế “nóng”?

ANTĐ - Cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) thay ông Robert Zoellick kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6 tới đã chính thức khởi tranh khi Tổng thống Mỹ đề cử ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vụ này.

3 ứng cử viên Kim Yong Jim, Ngozi Okonjo-Iweala và Jose Antonio Ocampo

chạy đua vào chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới

Việc Tổng thống Barack Obama đề cử ông Kim Yong Jim, Hiệu trưởng Đại học Dartmouth - một trường danh tiếng ở bang New Hampshire - vào chức vụ Chủ tịch WB khiến không ít người bất ngờ. Bởi trước đó, hầu hết các dự đoán đều nhằm vào những nhân vật chính trị đã thành danh như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ John Kerry hay cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers.

Giải thích cho việc đề cử ông Kim Yong Jim, Tổng thống Obama khẳng định đây là thời điểm để một chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển điều hành một tổ chức tài chính lớn chuyên cung cấp viện trợ phát triển và các khoản vay cho các nước nghèo và đang phát triển. Từ khi thành lập đến nay, người đứng đầu WB luôn là các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nhân hoặc chính trị gia. 

Với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động để cải thiện điều kiện tại các quốc gia đang phát triển trên thế giới, ông Kim Yong Jim tỏ ra rất thích hợp với cương vị người đứng đầu WB theo quan điểm mới của Mỹ. Người Mỹ gốc Hàn Quốc 52 tuổi này là bác sĩ trước khi trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phát triển và từng giữ chức Giám đốc Chương trình HIV/AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Giáo sư trường Y khoa Đại học Harvard. 

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ đề cử ông Kim Yong Jim, Ban Giám đốc điều hành WB cũng chính thức công bố 3 ứng cử viên chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch tổ chức tài chính lớn nhất về viện trợ phát triển trên thế giới. Ngoài ông Kim Yong Jim còn có 2 ứng cử viên khác là Bộ trưởng Tài chính Nigeria, Ngozi Okonjo-Iweala và ông Jose Antonio Ocampo, chuyên gia kinh tế người Colombia và là giáo sư ở Đại học Columbia (Mỹ). Trong đó, theo giới quan sát, ứng viên có thể chạy đua được với ông Kim Yong Jim là bà Okonjo-Iweala, một cựu Giám đốc Điều hành WB rất có uy tín, do các quốc gia châu Phi đồng thuận đề cử.

Về hình thức, vị trí Chủ tịch WB sẽ do 187 thành viên bỏ phiếu bầu chọn, song theo luật bất thành văn kể từ khi tổ chức này ra đời năm 1944 tới nay là đều do một người Mỹ đảm nhận, tương tự như chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) do người châu Âu nắm giữ. Thứ luật bất thành văn này được hình thành trên cơ sở thực tế Mỹ cùng châu Âu chiếm lần lượt 16% và 26% tỷ lệ bỏ phiếu trong WB, Mỹ ủng hộ châu Âu giữ ghế ở IMF thì cựu lục địa hậu thuẫn Mỹ nắm WB.

Sau “scandal sex” của cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn, các quốc gia đang phát triển trên thế giới đã lên tiếng rất mạnh mẽ đòi phải sửa thứ luật bất thành văn tại 2 định chế tài chính lớn nhất thế giới song bất thành. Kết cục là bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp và là một người châu Âu, lại được bầu làm Tổng giám đốc IMF sau vụ scandal làm tổn hại không ít uy tín của tổ chức này.

Bởi thế, dù bà Okonjo-Iweala được đánh giá cao, song hầu như không mấy ai nghi ngờ về chiến thắng của ông Kim Yong Jim được Tổng thống Mỹ “bảo lãnh”. Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 4 tới, ông Kim sẽ trở thành người gốc Á đầu tiên nắm giữ chức Chủ tịch WB, tổ chức đã cho vay 57,3 tỷ USD năm 2011 và hiện có hơn 9.000 nhân viên trên thế giới.