Ai quản lý hoa trái phố phường?

ANTĐ - Cứ nhìn thấy góc đường Lê Duẩn, đoạn gần Ga Hà Nội bày bán cả đống sấu, thấy những gánh sấu tung tẩy khắp phố phường, thấy trong các chợ người ta bày sấu bán chung với các loại rau quả, lại thấy thương... những cây sấu của Hà Nội. Nói thế, hẳn nhiên là không quá. Bởi, người Hà Nội thì nhiều, cây sấu ở Hà Nội cũng lắm, nhưng chắc chắn "cầu" sẽ vượt quá "cung". Và cũng bởi một lý do nữa, sấu Hà Nội chưa được khai thác, bảo vệ, sử dụng một cách có tổ chức và trách nhiệm.

Có lẽ, chẳng ở đâu người ta ăn sấu, uống sấu, ngắm sấu nhiều như ở Hà Nội. Phải chăng cũng bởi thế mà hồi còn sống, nhà văn Băng Sơn đã ví von “trong máu của mỗi người Hà Nội có vị sấu”?

Trước đây, trên mục "Hà Nội trong tôi" này, tôi đã hơn một lần ước ao những cây cổ thụ của Hà Nội sẽ được gọi tên, đánh số, được bảo vệ như tài sản chung của cả thành phố. Điều này đã thành hiện thực, khi một số tuyến phố, nhất là đoạn quanh Bờ Hồ, nhiều cây, trong đó có sấu được đánh số, gọi tên bằng một chiếc bảng nhỏ nhưng chắc chắn và kiên cố, đóng ngay trên thân cây. Dù chưa hoàn hảo, nhưng hình ảnh ấy khiến đô thị trở nên văn minh hơn, có sự quy hoạch và cây xanh được trân trọng đúng như những gì mà nó hiến dâng cho thành phố. Và chuyện đôi tình nhân hẹn hò nhau ở gốc cây xà cứ số 99, cây bàng số 80 hay cây sấu số 688 chẳng phải là xa lạ nữa. Tuy vậy, còn rất nhiều tuyến phố, các cây chỉ được đánh số bằng những hàng chữ màu nguệch ngoạc, viết trực tiếp trên thân cây, chỉ qua mấy mùa mưa nắng là bong tróc theo thời gian, theo từng lớp vỏ trên thân cây. Dường như, việc làm rất văn minh, thể hiện tình cảm thân thiện của con người với môi trường sống của mình chưa được đồng bộ lắm, đặc biệt, vẫn có sự "bất công" giữa cây này với cây khác, phố này với phố khác.

Song, có chăng sự "đánh trống bỏ dùi", sự "cha chung không ai khóc" ở việc quản lý, sử dụng cây xanh ở Hà Nội? Số cây thì đã được đánh, nhưng phận cây dường như vẫn quá xanh xao. Phần lớn những cây cổ thụ ở Hà Nội chỉ có "ích" chung là lọc không khí, mang lại bóng râm, làm đẹp phố phường, có lẽ, chỉ sấu là có "lợi". Lợi này được nhìn thấy ngay trước mắt, khi sấu vào mùa cho quả, còn đương nhiên, quanh năm sấu cũng chỉ giống như những cây khác mà thôi. Tưới cây, có người lo, tỉa cành cũng có người lo, lá cây rụng xuống có người quét, cây đổ có người đốn chặt, chỉ có mỗi quả của cây là chẳng của ai mà lại của rất nhiều người.

Còn nhớ, trong “Số đỏ”, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã miêu tả Xuân Tóc Đỏ là kẻ "ma cà bông, cà chớp, trèo me trèo sấu", thời đó, hẳn có rất nhiều kẻ như Xuân Tóc Đỏ. Còn Hà Nội thời hiện tại, từ năm ngoái trở về trước dường như chỉ có một ông già cầm sào hái sấu khắp các tuyến phố, chẳng có ai tranh giành. Giá sấu đắt, đương nhiên, một mùa sấu đủ để cho ông già này sống bớt chật vật. Song, dường như sự "ngon ăn" ấy chẳng thể lọt mắt người đời quá lâu. Năm nay, trên rất nhiều các tuyến phố, người ta thấy từng "đội quân" ào ạt tấn công sấu. Thậm chí cả mấy cậu đánh giày góc phố cũng “nhảy việc” để đi hái sấu vì thấy thu nhập cao hơn. Tập kích cây nào là tả tơi cây nấy. Ba, bốn người làm thành một nhóm, kẻ trèo tót lên cây, đu bám, ngoắc giật những cành sấu già; người ở dưới chạy vòng quanh gốc lượm đầy vào túi nilon. Mỗi khi "đội quân" ấy rút đi, gốc tơi bời lá rụng, ngổn ngang cành gẫy, cả thân cây xác xơ hơn cả trận bão cấp 12. Những người này với cách thức khai thác thủ công và “tận diệt” như thế, cũng đáng bị gọi là "sấu tặc" lắm lắm.

Bây giờ tôi lại có một ước mơ đến là đơn giản: thành phố có bộ phận chuyên quản lý việc khai thác hoa trái trên phố phường, với những dụng cụ chuyên dụng. Có thể số tiền thu được không nhiều, nhưng nó thể hiện “cái tình, cái nghĩa” với cây. Nó chứng tỏ chúng ta không thờ ơ, không “bỏ ngoài tầm kiểm soát” bất cứ điều gì. Đồng thời, việc làm ấy cũng là một hình thức bảo vệ hữu hiệu cho cây trong thành phố.

Cuối tuần này bão về. Thiên nhiên tàn phá cây cối còn có sự đền bù bởi mưa nắng để cây nhanh hồi lại, chẳng lẽ con người lại thờ ơ trước những bàn tay “tận diệt” nguồn lợi chung này?