985 năm Hội thề Đồng Cổ Hà Nội: Lời thề trung hiếu

ANTĐ - Theo truyền thuyết xưa, Vua Hùng đi dẹp giặc ở Hồ Tôn, khi qua vùng Đan Nê - núi Tam Thai, thuộc Bộ Cửu Chân, nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa thì nghỉ lại, đêm ấy, Thần Đồng Cổ hiện lên xin theo giúp nhà Vua. 

Một màn trong Hội thề

Khi thắng trận trở về, Vua vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong là “Đồng Cổ Đại Vương”. Tại thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ, trong cuốn sách chép tay Đại Nam nhất thống chí - ký hiệu A853 và A69 mục Thanh Hóa tỉnh chí, chép rằng “Đền Thần Đồng Cổ ở Đan Nê, huyện Yên Định có thờ một chiếc trống đồng, tương truyền do thời Hùng Vương làm ra”. 

Năm 986, Lê Hoàn đi đánh giặc Chàm ở phương Nam, khi đến sông Ba Hòa, Tĩnh Gia, gặp mưa to gió lớn, Thần Đồng Cổ hiện lên, ông vái lạy, trời liền quang mây tạnh gió. Khi thắng trận trở về, Lê Hoàn làm lễ tạ ơn và ghi cho đền câu đối: 

“Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh
Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt Hồ”.

Năm 1020, Thái tử Lý Thái Tông, phụng mạng vua cha là Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đem quân đi đánh Chiêm Thành, đến Trường Châu hạ trại. Đêm ấy người mơ thấy Thần Đồng Cổ đến tâu rằng: “Tôi là Thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc”. 

Lần ấy quân ta thắng lớn, khi trở về Thái tử cho quân sĩ  nghỉ lại ở Đan Nê, sai người sửa sang lại đền, tổ chức lễ tạ và khao quân. Sau đó, người xin được rước bài vị của Thần về kinh đô để giữ nước hộ dân. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm Thần lại báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Đền được xây ở hợp lưu sông Thiên Phù và sông Tô Lịch thuộc làng Đông Xã, nay là số 353 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Như vậy, ngôi đền Đồng Cổ này đã xấp xỉ 1.000 năm tuổi và được giữ tôn hiệu “Minh chủ linh ứng chiêu cảm bảo hựu đại vương” do nhà Lý và nhà Trần sắc phong.

Các triều đại tiếp sau đều có sắc phong (14 đạo), nay còn giữ được 3 đạo: Cảnh Hưng năm thứ 14 (1784), Quang Trung năm thứ tư (1791), Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1793). 

Năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử Lý Phật Mã được kế vị là Lý Thái Tông lên ngôi, niên hiệu là Thiên Thành, ngài đã phong tước vương cho Thần Đồng Cổ. 

Lúc đó trong triều có sự bất hòa, Thần Đồng Cổ lại báo mộng cho biết trước là sẽ có “loạn tam vương”. Quả nhiên, Thái tử chưa tế táng xong thì Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương, Đông Chinh Vương đã đem quân vây thành để tranh ngôi của Thái tử.

Lý Nhân Nghĩa và Võ vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu ra cửa thành nghênh chiến. Ông rút gươm ra chỉ mặt Võ Đức Vương mà mắng rằng: “Các ngươi dòm ngó ngôi cao, khinh rẻ tự quân, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này!”. Nói xong, xông vào chém Võ Đức Vương ở trận tiền. Quân các vương trông thấy sợ hãi bỏ chạy cả. Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương phải chạy trốn.

Thái tử Phật  Mã lên ngôi tức là vua Lê Thánh Tông. Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương xin về chịu tội. Thái Tông nghĩ tình anh em nên tha tội cho và phục chức cũ cho cả hai người.

Cũng do có sự linh ứng của Thần Đồng Cổ biết trước sự phản nghịch ấy, nên vua Thái Tông mới lập lệ, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Đông Xã - Thăng Long) làm lễ uống máu ăn thề: 

“Làm tôi bất trung
Làm con bất hiếu
Thần minh tru diệt”(1).

Hội thề Đồng Cổ có từ đấy, các quan ai trốn không đến thì phải phạt đánh 50 trượng.

Triều Trần, sau ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông, đất nước thịnh trị được hơn 50 năm, đến thời Trần Dụ Tông, vua thì ham chơi bời, lười chính sự, các quan thì tham nhũng, ức hiếp nhân dân. Chu Văn An đã phải dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, thời bấy giờ gọi là “thất trảm sớ”, nên nội dung lời thề nhà Trần sửa lại: 

“Làm tôi tận trung
Làm quan trong sạch
Ai trái thế này
Thần minh giết chết”(2).

Năm nay kỷ niệm 985 năm Hội thề Trung Hiếu, UBND phường Bưởi cùng với Ban di tích đền Đồng Cổ của làng Đông Xã xưa, lại tổ chức Hội thề. Tại ngôi đền này đang lưu giữ một phiên bản trống đồng Ngọc Lũ do phường đúc, tỉnh Nam Định thực hiện, được nhân dân địa phương và khách thập phương đóng góp. Trong lễ hội này, đền còn được nhận Bằng công nhận 4 cây di sản, đó là các cây đại, cây hoàng lan, cây sanh và cây nhãn, đã tỏa hương thơm và bóng mát cho đền, có cây vài trăm năm, có cây cùng tuổi với ngôi đền. 

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, 

Nxb Sử học, tập 1, tr.255.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập 2, tr.8.