Vụ phẫu thuật từ thiện tại Khánh Hòa:

3 trẻ tử vong, chưa cơ quan chức năng nào nhận trách nhiệm

ANTĐ - Sáng 28-8, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về vụ việc 3 cháu bé tử vong, khi tham gia chương trình phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí tại Khánh Hòa cuối tuần qua.

 

Bộ Y tế họp báo thông tin về vụ 3 trẻ tử vong do phẫu thuật nhân đạo ở Khánh Hòa

 Điều được dư luận quan tâm là tại sao một cơ sở không có chức năng thực hiện phẫu thuật, không được cấp phép hành nghề khám chữa bệnh như OSCA lại tổ chức rất nhiều đợt phẫu thuật nhân đạo, tại nhiều địa phương trong suốt 7 năm qua, mà không bị xử lý hay bị xem xét về cơ sở pháp lý? Nếu không xảy ra vụ việc 3 trẻ tử vong ngày 23-8 vừa qua, liệu các chương trình phẫu thuật nhân đạo của đơn vị này có bị đình chỉ?

Tại cuộc họp Báo, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, Giám đốc Trung tâm OSCA là ông Phạm Văn Ái đã có báo cáo về Bộ Y tế và nhận toàn bộ trách nhiệm trong vụ việc để xảy ra 3 trẻ tử vong ở Khánh Hòa. Phía Trung tâm OSCA cũng đã hỗ trợ mỗi gia đình có trẻ tử vong 120 triệu đồng.

Tuy nhiên, trước câu hỏi cụ thể về việc Trung tâm OSCA sai phạm như thế nào, ở khâu nào, ông Nguyễn Trọng Khoa chưa trả lời ngay được mà cho biết Bộ Y tế đang tiếp tục làm rõ. Thậm chí, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh còn cho biết, nói Trung tâm OSCA có sai phạm trong việc tổ chức chương trình phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ em tại Khánh Hòa “không hẳn đã đúng”.

Ông Nguyễn Trọng Khoa trả lời báo chí tại buổi họp báo


Lý do, ông Khoa chỉ ra: họ tổ chức chương trình này hoàn toàn là làm từ thiện, miễn phí, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Trước khi triển khai chương trình, họ cũng đã xin phép Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, đã có hợp đồng hợp tác với Bệnh viện Quân Y 87 để tổ chức chương trình. Hơn nữa, OSCA chỉ làm trung gian, mời các bác sĩ ở các bệnh viện tham gia phẫu thuật trong chứ bản thân OSCA không phẫu thuật. Các bác sĩ tham gia chương trình cũng đều có chứng chỉ hành nghề theo quy định.

“Nói vậy có nghĩa Trung tâm OSCA không hề sai?”. Trả lời câu hỏi này, ông Khoa lấp lửng: “Tôi cũng không khẳng định như vậy, điều này cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ”.

Ngoài Trung tâm OSCA, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Quân Y 87 trong vụ việc này như thế nào cũng là điều được báo chí và dư luận quan tâm. Như đã nói, chương trình phẫu thuật từ thiện nói trên do Trung tâm OSCA phối hợp với Bệnh viện Quân Y 87 (trụ sở tại TP Nha Trang, Khánh Hòa) tổ chức và trực tiếp diễn ra tại Bệnh viện Quân y 87.

Cục trưởng Cục Quân y Vũ Quốc Bình (bên phải) nói về trách nhiệm của Bệnh viện 87

Nói về trách nhiệm của Bệnh viện 87 tại cuộc họp Báo, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y – Bộ Quốc phòng cho biết, trong việc hợp tác này, toàn bộ khâu tổ chức lẫn nhân sự thực hiện phẫu thuật, thuốc men đều do OSCA triển khai, Bệnh viện Quân y 87 chỉ cho mượn cơ sở hạ tầng. Nhưng tại sao OSCA không được cấp phép hành nghề khám chữa bệnh, mà Bệnh viện 87 vẫn cho họ “mượn sân”? Thiếu tướng Vũ Quốc Bình cho biết, bệnh viện không có thẩm quyền, chức năng yêu cầu OSCA xuất trình giấy phép hành nghề, đây là việc của Sở Y tế Khánh Hòa. Bệnh viện đã xin ý kiến của Sở Y tế trước khi hợp tác.

Vậy vì sao OSCA không có giấy phép hành nghề phẫu thuật, nhưng Sở Y tế Khánh Hòa vẫn cho phép đơn vị này triển khai phẫu thuật nhân đạo trên địa bàn, trách nhiệm của Sở Y tế ra sao? Về điều này, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, theo báo cáo từ Sở Y tế Khánh Hòa, đơn vị này đồng ý cho OSCA triển khai phẫu thuật nhân đạo trên địa bàn vì OSCA có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của Sở Khoa học công nghệ Hà Nội và các bác sĩ của OSCA đều có chứng chỉ hành nghề.

“Còn việc Sở Y tế Khánh Hòa cấp phép, cho phép OSCA hoạt động như vậy có sai phạm hay không, sai phạm đến đâu, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục làm. Hiện nguyên nhân dẫn đến 3 trẻ tử vong vẫn đang phải chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn, khi có kết quả mới triển khai được các bước xử lý tiếp theo” – ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết.