100% đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

ANTD.VN - Với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 12-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (tên tiếng Anh là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP) được ký ngày 8-3-2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Cộng hòa Chi-lê. Toàn văn Hiệp định CPTPP ghi tại Phụ lục 01 kèm theo Nghị quyết này.

Nghị quyết cho phép áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại Phụ lục 02.

Về tổ chức thực hiện Điều ước quốc tế, Nghị quyết giao Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 03 và các văn bản pháp luật khác, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Kết quả biểu quyết

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Liên quan đến Nghị quyết trên,  Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan nêu rõ: Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung Hiệp định TPP trước đây đã được chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, đã qua 8 năm đàm phán. Đến thời điểm hiện nay, đã có 6 nước phê chuẩn thông qua và Hiệp định đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 30/10/2018. Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là thời điểm phù hợp, thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới.

Về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về đề nghị áp dụng trực tiếp 15 cam kết/ nhóm cam kết của Hiệp định CPTPP theo hồ sơ trình của Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, UBTVQH đã yêu cầu chi tiết hóa tối đa các nội dung 15 cam kết/nhóm cam kết áp dụng trực tiếp của Hiệp định CPTPP, tại Phụ lục 02, Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP theo hướng trích dẫn cụ thể các Điều, khoản, điểm của Hiệp định và có ghi chú giải thích thuật ngữ nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trực tiếp.