Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP

ANTD.VN -Sáng 2-11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.   

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Theo Tờ trình, Hiệp định CPTPP gồm 7 Chương và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016.

Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên còn lại trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, các nước thành viên CPTPP cũng ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương dưới hình thức các thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mình theo hướng được phép có những linh hoạt hoặc một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định để thực thi một số cam kết của Hiệp định.

Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế, xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung pháp luật, thể chế. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật…

Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất sáu nước ký kết hoặc ít nhất 50 phần trăm số nước ký kết của Hiệp định thông báo với Cơ quan lưu chiểu (Niu Di-lân) bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Về kiến nghị, đối với những cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp.

Để đảm bảo thực hiện Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các ban ngành hữu quan hoàn thiện danh mục các Luật, Pháp lệnh, Nghị định cần sửa đổi, bổ sung ban hanh hành mới để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại Khoản 14 Điều 70 Hiến pháp 2013, Luât Điều ước quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.