Sai phạm tràn lan

(ANTĐ) - Kết quả thanh tra, kiểm tra các phòng khám Đông y Trung Quốc trên địa bàn Hà Nội do Chi cục Quản lý thị trường thành phố vừa công bố cho thấy, có tới 7/9 cơ sở được kiểm tra phát hiện có vi phạm. Trước thực tế đó, việc siết chặt hoạt động quản lý với các phòng khám này là điều cần thiết nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi cho người bệnh. 

Phòng khám Đông Y Trung Quốc tại Hà Nội:

Sai phạm tràn lan

(ANTĐ) - Kết quả thanh tra, kiểm tra các phòng khám Đông y Trung Quốc trên địa bàn Hà Nội do Chi cục Quản lý thị trường thành phố vừa công bố cho thấy, có tới 7/9 cơ sở được kiểm tra phát hiện có vi phạm. Trước thực tế đó, việc siết chặt hoạt động quản lý với các phòng khám này là điều cần thiết nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi cho người bệnh. 

Kiểm tra giấy phép hoạt động của bác sĩ đông y Trung Quốc
Kiểm tra giấy phép hoạt động của bác sĩ đông y Trung Quốc

Phát hiện nhiều sai phạm

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước khi Chi cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra và công bố kết quả tại các phòng khám Đông y Trung Quốc trên địa bàn, Thanh tra Sở vẫn thường xuyên kiểm tra hoạt động tại các phòng này và đã, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. Chỉ tính riêng trong tháng 8 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã lập biên bản xử phạt một số phòng khám Đông y Trung Quốc, với các lỗi vi phạm như: niêm yết giá không rõ ràng, bác sĩ hành nghề không giấy phép, bác sĩ được cấp phép nhưng hoạt động không đúng địa điểm, quảng cáo không đúng hoặc vượt quá nội dung cho phép...

Ngày 19-12, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiếp tục kiểm tra, hậu kiểm các phòng khám Đông y Trung Quốc trên địa bàn thành phố. Tại phòng khám Trường Giang (số 709 Giải Phóng, thuộc Công ty TNHH Ngọc Huệ Đường), đoàn thanh tra phát hiện một số nhân viên làm việc chuyên môn không đeo thẻ; nhân viên bốc thuốc chưa có bằng cấp chuyên môn. Trước đó tại chính phòng khám này, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã lập biên bản xử lý vi phạm vì phát hiện 2 người Trung Quốc hành nghề không giấy phép. Tuy nhiên trong buổi hậu kiểm ngày 19-12, bà Hoàng Thị Kim Ngọc - phụ trách phòng khám lại lý giải rằng ở thời điểm Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra, có 1 người Trung Quốc ở nơi khác đến phòng khám để... khảo sát thị trường, chứ không phải làm việc tại đây.

Tại phòng khám Đông y Việt Nam - Trung Quốc (số 77 đường Giải Phóng), đoàn thanh tra phát hiện trong hợp đồng lao động với 1 bác sĩ người Việt Nam có ghi: “Làm công việc khám bệnh cùng bác sĩ Trung Quốc”, thế nhưng cơ sở lại không xuất trình được giấy phép hành nghề của vị bác sĩ này. Theo lý giải của chủ phòng khám thì vị bác sĩ nói trên chỉ làm công việc phiên dịch tiếng Trung sang tiếng Việt và ngược lại, còn điều khoản ghi trong hợp đồng là do... ngôn ngữ chưa rõ ràng. Tương tự, tại phòng khám số 29 Quốc Tử Giám (thuộc Công ty TNHH Thiên Hương), nhân viên phiên dịch không có bằng chuyên môn về Y dược hay tiếng Trung Quốc vì... đang học việc, một số thuốc hoàn tán như Long Cốt và Mẫu Lệ được chia ra túi nhỏ nhưng không dán nhãn mác...

Tăng cường hậu kiểm

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi các đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm tại các phòng khám Đông y Trung Quốc trên địa bàn Hà Nội, Sở Y tế đã giao cho Thanh tra Sở tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, hậu kiểm hoạt động hành nghề của các phòng khám này. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 13 công ty kinh doanh hành nghề Y học cổ truyền, trong đó có 19 phòng khám Y học cổ truyền có yếu tố người nước ngoài (đều là phòng khám Đông y Trung Quốc) với 23 bác sĩ được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Mặc dù vẫn tồn tại nhiều vi phạm ở các mức độ khác nhau, song nhìn chung ở những phòng khám đã được Sở Y tế cấp phép đều được quản lý khá nghiêm túc.

Theo ông Tuấn, vấn đề bức xúc nhất mà cộng đồng phản ánh về các phòng khám Đông y Trung Quốc trong thời gian qua chính là các phòng khám quảng cáo không đúng sự thật hoặc quá nội dung cho phép. Với lỗi vi phạm về quảng cáo, theo quy định sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng, song để phát hiện được lỗi này ở các cơ sở phòng khám Đông y nói riêng, cũng như các cơ sở hành nghề y nói chung thì cộng đồng, mỗi người dân phải cùng giám sát, tố cáo vi phạm, các ngành liên quan cũng phải có trách nhiệm cùng ngành y tế phát hiện vi phạm.

Vấn đề liên quan đến chất lượng thuốc đông y như thuốc bị nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp có khả năng gây ung thư, thuốc đông dược trộn tân dược... ông Tuấn cho biết, Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm Hà Nội vừa phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố lấy nhiều mẫu thuốc đông dược tại các cơ sở sản xuất thuốc trên địa bàn để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sẽ được công bố trong thời gian tới.

Nguyễn Phan