Cẩu thả khi phá dỡ nhà: Đùa giỡn với tử thần

ANTĐ - Thời gian qua, những vụ tai nạn chết người liên quan đến việc phá dỡ nhà ngày càng gia tăng. Những quy định về an toàn đang bị xem nhẹ nên người lao động luôn phải hứng chịu rủi ro, thậm chí là cả mạng người.

Cẩu thả khi phá dỡ nhà: Đùa giỡn với tử thần ảnh 1Nhiều thợ phá dỡ nhà không được trang bị bảo hộ lao động

Liên tiếp tai nạn thương tâm

Gần đây nhất, khoảng 9h30 ngày 28-10, tại một ngôi nhà ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã xảy ra vụ tai nạn khiến 2 người tử vong. Trước đó, nạn nhân được một chủ thầu xây dựng thuê phá dỡ ngôi nhà cấp 4. Khi 2 người này đứng trên mái văng bê tông trước hiên nhà để đập bức tường chắn mái thì bất ngờ cả mái văng đổ sập, khiến cả 2 bị ngã xuống đất tử vong tại chỗ.

Tương tự, sáng 9-10, tại xã Điền Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 người chết. Nạn nhân là ông Lê Đình Hà và ông Hà Văn Tơ, đều ở xã Điền Trung, huyện Bá Thước. Được thuê phá nhà cũ của một gia đình ở xã Điền Trung, ông Hà và ông Tơ đứng dưới chân tường để đập bức tường cao trên 3m thì bất ngờ cả bức tường ập xuống khiến cả 2 tử vong tại chỗ. Trước đó, vào chiều 7-9, khi đang phá dỡ công trình nhà ở tại đường số 5, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM, một công nhân đã bị mảng bê tông đè chết. Khi người công nhân này và một số người khác đang phá dỡ căn nhà cũ, mái hiên căn nhà bất ngờ đổ ập xuống đè chết.

Còn tại Hà Nội, vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người chết tại Yên Hòa, quận Cầu Giấy cách đây không lâu khiến dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Ba nạn nhân là Nguyễn Văn Hữu, Đặng Văn Cảnh và Đặng Văn Khanh ở Giao Thủy, Nam Định, là lao động tự do được thuê phá dỡ ngôi nhà ở tổ 54, Yên Hòa. Trong khi họ đang làm việc thì bất ngờ một bức tường của căn nhà đổ sập xuống, làm 2 người chết tại chỗ, 1 người bị thương được đưa đi cấp cứu, nhưng sau đó cũng tử vong.

Theo ông Trần Mạnh Hùng - kỹ sư xây dựng - Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn trên là do bản thân những người lao động đã thực hiện không đúng quy trình phá dỡ nhà. Việc phá dỡ một công trình xây dựng phải được giám sát bởi những người không chỉ có kinh nghiệm mà còn phải có hiểu biết cơ bản về xây dựng. Khi tiến hành phá dỡ bất kỳ hạng mục nào trong một tòa nhà sẽ tạo ra sự mất cân bằng, có thể gây sập đổ một phần hoặc toàn bộ ngôi nhà đó. Do vậy, việc tháo dỡ không được tiến hành tùy tiện mà phải có phương án đảm bảo an toàn cho người lao động, người dân tại khu vực và các công trình lân cận.

Khi vấn đề an toàn bị coi nhẹ

Luật Xây dựng năm 2003 và một số văn bản liên quan đã quy định khá cụ thể về thủ tục phá dỡ công trình xây dựng, trong đó yêu cầu chủ công trình chuẩn bị đầy đủ nội dung phương án phá dỡ công trình theo quy định và nộp hồ sơ đến các cơ quan chức năng phê duyệt. Phương án phá dỡ công trình phải thể hiện biện pháp, quy trình phá dỡ; các trang thiết bị; biện pháp che chắn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; an ninh trật tự; vệ sinh môi trường... Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo an toàn khi xây dựng, tháo dỡ công trình cũng như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đã gây ra. 

Song, theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, việc phá dỡ hiện nay thường được tiến hành bởi các chủ thầu xây dựng. Trong đó, ngoài một số ít người có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc phá dỡ, còn lại đa số “mù tịt” về lĩnh vực này. Thông thường, họ chỉ ký hợp đồng, sau đó thuê người lao động ngoại tỉnh thực hiện việc phá dỡ rồi thanh toán tiền công. Về phía những người lao động, do không được trang bị kiến thức về đảm bảo an toàn trong phá dỡ các công trình xây dựng, họ chỉ làm việc bằng sức người và kinh nghiệm  nên không lường trước được rủi ro. Ngoài ra, giao dịch giữa chủ thầu phá dỡ và người lao động lại chủ yếu là “hợp đồng miệng”. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, chỉ có người lao động chịu thiệt. Mặt khác, đáng lẽ những người trực tiếp làm nghề phá dỡ nhà phải được chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm tai nạn, song điều này gần như không có trong thực tế. 

 Để bảo đảm an toàn cho người dân và công trình liền kề tại những công trình phá dỡ, cần có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý về xây dựng. Tuy vậy, thực tế hiện nay, lực lượng Thanh tra xây dựng hầu như mới chỉ chú ý kiểm tra xử lý phần xây dựng mới còn việc phá dỡ công trình hầu như bị bỏ ngỏ. Những tồn tại kể trên chính là nguyên do khiến các vụ tai nạn chết người trong quá trình phá dỡ nhà vẫn là câu chuyện không có hồi kết….