Biên soạn nhiều bộ SGK: Sẽ “loạn” hay có sự “thanh lọc”?

(ANTĐ) - Sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công khai dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục về việc có thể biên soạn nhiều bộ SGK cho chương trình phổ thông dựa vào chuẩn chương trình do Bộ ban hành, không ít người đã tỏ ra lo ngại bên cạnh sự ủng hộ đầy lạc quan. Nỗi lo về tình trạng “loạn” SGK sẽ xuất hiện khi vẫn còn sự thiếu tin tưởng vào trình độ biên soạn SGK của những chuyên gia hiện nay.

Biên soạn nhiều bộ SGK: Sẽ “loạn” hay có sự “thanh lọc”?

(ANTĐ) - Sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công khai dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục về việc có thể biên soạn nhiều bộ SGK cho chương trình phổ thông dựa vào chuẩn chương trình do Bộ ban hành, không ít người đã tỏ ra lo ngại bên cạnh sự ủng hộ đầy lạc quan. Nỗi lo về tình trạng “loạn” SGK sẽ xuất hiện khi vẫn còn sự thiếu tin tưởng vào trình độ biên soạn SGK của những chuyên gia hiện nay.

Phổ thông không cần nhiều SGK như đại học?

Một thực tế là khi đưa ra Luật Giáo dục vào thảo luận ở Quốc hội, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết đa số đại biểu Quốc hội không tán thành với việc cho phép biên soạn nhiều bộ SGK vì hiện giờ chỉ mới có một bộ SGK mà đã có nhiều sai sót và mất rất nhiều thời gian lấy ý kiến đóng góp, sửa sai...

Không ít người, kể cả phụ huynh học sinh lẫn những giáo viên đứng lớp luôn nghi ngờ vào khả năng, trình độ và quan điểm viết SGK của các nhóm soạn thảo. Bà Trương Thị Kim Dung - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn và đại biểu Quốc hội cho biết, bà không ủng hộ việc biên soạn nhiều bộ SGK.

Lý do theo bà Dung là SGK cho bậc phổ thông chỉ yêu cầu ở mức phổ cập với thực tế trình độ học sinh ngay ở Hà Nội cũng có tới trên 50% học sinh chỉ đạt học lực trung bình. Việc cần có nhiều bộ SGK, theo bà Dung chỉ phù hợp với bậc ĐH với yêu cầu chuyên môn cao, đòi hỏi nhiều giáo trình phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng ngành, từng trường...

Bên cạnh đó, với dư luận chung, tình trạng loạn SGK hiện nay vẫn đang hiện hữu dù mới chỉ có một bộ SGK. Các loại sách nâng cao, sách tham khảo, sách bài tập đi kèm SGK phân ban hiện nay đang khiến phụ huynh, học sinh đau đầu để lựa chọn được cuốn sách chất lượng.

Ngoài ra, trong quá trình rà soát bộ SGK hiện nay, cũng đang gây nên những cuộc tranh luận không dứt giữa người viết và người góp ý.

Nhiều căn cứ được đưa ra khiến những người ngoài ngành và bản thân học sinh, giáo viên những đối tượng trực tiếp sử dụng SGK lo ngại, hoang mang, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Vấn đề được đặt ra là liệu khi có nhiều bộ SGK rồi thì ai là người đứng ra phán xét nội dung của SGK. 

Bao giờ học sinh phổ thông sẽ được tự chọn SGK cho mình?
Bao giờ học sinh phổ thông sẽ được tự chọn SGK cho mình?

Thiếu sự sàng lọc cần thiết

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, việc chỉ có một bộ SGK đã khiến cho ngành giáo dục không huy động được sự tham gia của đông đảo đội ngũ trí thức cả nước. Và cũng chính vì chỉ có một nhóm người được tham gia biên soạn một bộ SGK duy nhất cũng dẫn tới khả năng những người biên soạn không nỗ lực hết mức để nâng cao chất lượng, đổi mới cách làm SGK.

Với câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng “loạn” SGK hay không, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần để cho nền kinh tế thị trường phát huy ưu điểm cạnh tranh có sàng lọc trong việc cho phép biên soạn nhiều SGK phổ thông.

Theo ông, Bộ GD-ĐT cần tập trung vào việc xây dựng chương trình chuẩn ở bậc phổ thông còn chuyện biên soạn SGK là chuyện không đáng lo. Kinh nghiệm của GS Nguyễn Lân Dũng từ các nước khác là, bộ sách nào tốt sẽ được mua, bộ sách nào dở thì không ai sử dụng.

Tuy nhiên, để có thể cho phép biên soạn nhiều bộ SGK, điều kiện tiên quyết cần có là phải có một chương trình chuẩn, không chênh lệch nhiều so với thế giới và có thể sử dụng lâu dài.

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, hiện nay chưa thể khẳng định chương trình chuẩn đang sử dụng đã hoàn thiện vì hầu hết các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các hội KHKT đều đã phản ánh về những bất hợp lý trong chương trình THCS và chưa được giao nhiệm vụ và kinh phí để thảo luận về chương trình THPT.

“Với một chương trình chưa thể khẳng định là tốt, có thể sử dụng trong nhiều năm mà cho biên soạn nhiều bộ SGK sẽ là phi lý và lãng phí” - GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét.

Nên chăng Bộ GD-ĐT cần tham khảo kinh nghiệm ở Hàn Quốc khi từ năm 1995, nước này bắt đầu xóa bỏ chính sách độc quyền về SGK? Tuy nhiên, không phải tất cả SGK đều được xóa bỏ độc quyền ngay mà trừ ra một số SGK cho bậc mầm non và tiểu học, sách Quốc ngữ, Lịch sử, Đạo đức ... vẫn do Bộ chuyên ngành phụ trách biên soạn.

Những đầu sách còn lại đều được giao cho các nhà xuất bản tư nhân biên soạn và được thẩm định. Việc nới lỏng cho các tổ chức tư nhân biên soạn và xuất bản sách do Bộ Giáo dục của Hàn Quốc phụ trách được thực hiện theo từng giai đoạn thích hợp. Cách thức này, nhiều người sẽ thấy an toàn hơn khi chất lượng biên soạn và thẩm định SGK trong nước vẫn còn gây nhiều bàn cãi.

Vinh Hương