Vết đen trong ngành tư pháp Mỹ

ANTĐ - Một cậu bé da màu ở Mỹ bị tử hình vì tội giết người nhưng phải sau 70 năm mới được giải oan. Vụ án oan trên đã gây chấn động dư luận Mỹ và trở thành vết đen trong lịch sử ngành tư pháp nước này.  

Vết đen trong ngành tư pháp Mỹ ảnh 1

Tử tù trẻ nhất bị hành hình

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 3-1944, cảnh sát tới nhà tìm kiếm cậu bé George Stinney Jr (ảnh), 14 tuổi. Khi đó, cha mẹ cậu đều không có nhà. Em gái George nấp sau chuồng gà phía sau nhà ở Alcolu, một thị trấn biệt lập tại bang South Carolina (Mỹ), trong khi cảnh sát cùm tay George và anh trai Johnnie, rồi dẫn giải đi. Nhà chức trách sau đó thả Johnnie, hướng sự chú ý vào George do tình nghi cậu sát hại dã man 2 bé gái da trắng. Cậu bé bị cảnh sát thẩm vấn trong một phòng nhỏ, không có sự bảo hộ của cha mẹ cũng như luật sư. Sau buổi thẩm vấn, cảnh sát tuyên bố George đã nhận tội sát hại Betty June Binnicker, 11 tuổi, và Mary Emma Thames, 8 tuổi bằng cây gậy nhọn lấy ở đường ray xe lửa. 

George Stinney Jr nhanh chóng bị đưa ra tòa xét xử. Sau 2 giờ xét xử và 10 phút nghị án, ngày 24-4-1944, bồi thẩm đoàn gồm 12 người da trắng đã kết án tử hình George vì tội giết người. Vào thời điểm đó, luật pháp Mỹ quy định 14 tuổi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Luật sư bảo vệ cho cậu bé, cũng là một chính trị gia địa phương, lại không kháng cáo. Đáng chú ý, phiên tòa diễn ra một cách nhanh chóng, luật sư bào chữa da trắng không kiểm tra chéo các nhân chứng, không biện hộ cho cậu bé. Ngày 16-6-1944, George Stinney Jr bị xử tử trên ghế điện, trở thành người trẻ nhất trong lịch sử cận đại Mỹ bị hành hình.  

Được giải oan sau 70 năm

Vụ án trên đã ám ảnh thị trấn Alcolu hàng chục năm. Sau khi George bị xử tử, gia đình cậu bé đã phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác do lo sợ tính mạng của họ bị đe dọa. Đến năm 2009, Amie Ruffner, em gái của George khai rằng, anh bà không phải là thủ phạm giết hại hai cô gái da trắng bởi vào thời điểm xảy ra án mạng, hai anh em họ đi với nhau. Theo bà Ruffner, ngày 24-3-1944, bà và anh trai đang chăn cừu gần đường ray xe điện xuyên qua Alcolu, thì nhìn thấy 2 cô bé Betty và Maryes đạp xe gần khu vực đó. 2 cô bé đó đã hỏi họ đường để tìm hoa lạc tiên nhưng họ nói không biết và tiếp tục công việc của mình. Ngày hôm sau, thi thể của 2 cô bé được tìm thấy bên một bờ mương, với nhiều vết thương trên đầu. Cảnh sát sau đó đã vào cuộc điều tra và bắt giữ George Stinney Jr.

Gia đình George cho rằng, việc George thú tội là do bị ép cung, mặc dù cậu bé có đưa ra bằng chứng ngoại phạm nhưng lại không được các điều tra viên để ý tới. Các nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ quyền lợi cho George đã cáo buộc cái chết của thiếu niên này cho thấy sự bất công của hệ thống pháp lý đối với người da màu. 

Ngày 17-12-2014, bà Carmen Mullen, thẩm phán hạt Clarendon, thuộc tiểu bang Nam Carolina, đã tuyên bố trả lại trong sạch cho George Stinney bởi theo bà, vào năm 1944 thiếu niên da màu này đã không được xét xử công bằng như hiến pháp quy định. Sau khi biết tin anh trai mình đã được minh oan, bà Kathrine Robinson, 79 tuổi chia sẻ: “Cuối cùng cũng có người lắng nghe sự thật. Đó là điều mà gia đình chúng tôi mong muốn hàng chục năm qua”.