Được trả tự do sau 6 năm bị kết án tử

ANTĐ - Trong 6 năm bị kết án tử hình đến 2 lần, cuối cùng, ngày 22-8-2014, Nian Bin (38 tuổi), cũng được Tòa án nhân dân tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) ra phán quyết phóng thích vì không đủ bằng chứng buộc ông tội giết người.

Nian Bin khi ở trong tù và giây phút đoàn tụ với gia đình sau khi được giải oan

Ngày 27-7-2006, Nian bị cảnh sát huyện Pingtan (tỉnh Phúc Kiến) bắt giữ vì nghi ngờ có liên quan đến vụ ngộ độc tại một gia đình hàng xóm khiến 2  trẻ tử vong và 4 người khác nguy kịch.

Bằng chứng duy nhất phía cảnh sát đưa ra là tại thời điểm đó, họ đã tìm thấy dấu vết thuốc diệt chuột trên tay nắm cửa của cửa hàng ông Nian. Không rõ sự thể ra sao nhưng chỉ sau ít ngày bị giam giữ, ông Nian đã thú nhận tội. Năm 2008, Tòa án Phúc Châu tuyên Nian Bin án tử hình vì tội giết người.

Nhưng sau đó, ông liên tiếp nộp đơn kháng cáo kêu oan và khẳng định lời thú tội trước đó là do ông bị ép cung. Phải chờ đến tháng 10-2010, nhận thấy vụ án của Nian còn thiếu chứng cứ, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã hủy án tử hình đối với Nian và yêu cầu xử lại. Tuy nhiên, 1 năm sau (tháng 11-2011), Tòa án trung cấp Phúc Châu lại ra quyết định “giữ nguyên án tử” đối với bị cáo Nian.

Trong lá đơn gửi tới Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhóm luật sư biện hộ Li Nian cho biết, cảnh sát điều tra nhiều lần bức cung để ép Nian phải nhận tội. “Thấy Nian Bin lúng túng không biết trả lời thế nào, cảnh sát đã mớm cung cho Nian. Đây là lý do vì sao băng ghi hình lời khai của Nian Bin lại bị mất đi ít nhất một giờ thẩm vấn” - luật sư Li tiết lộ. Về sự việc mờ ám này, luật sư Li khẳng định đây là thời gian cảnh sát gây áp lực buộc Nian phải nhận tội và hướng dẫn Nian cách trả lời.

Trước sức ép của công luận, Tòa án Phúc Kiến đã mở 2 phiên tái thẩm trong tháng 7-2013 và tháng 6-2014. Hai phiên tái thẩm này đặc biệt chú trọng đến việc trưng ra những bằng chứng pháp y để làm rõ vụ án. 

Cuối cùng, trong phiên tòa ngày 22-8-2014, Tòa phán quyết: Lời “thú nhận” của bị cáo còn không ít nghi ngờ và không có đủ bằng chứng cho thấy các nạn nhân đã chết vì ngộ độc axit fluoroacetic (một thành phần độc chính trong thuốc diệt chuột) và cũng không có bằng chứng cho việc bị cáo lưu giữ hay mua thuốc diệt chuột. Trên cơ sở đó, Tòa tuyên bị cáo Nian được trả tự do.

Trên thực tế, việc cảnh sát Trung Quốc thường xuyên sử dụng vũ lực khi thẩm vấn đã tồn tại từ lâu, được ví như sản phẩm của cơ chế quan liêu, cửa quyền nhất là ở những vùng nông thôn nghèo, hẻo lánh. Theo điều tra do tờ Sourthern Weekend thực hiện và công bố mới đây, hàng năm có trên 10 triệu vụ khiếu nại gửi lên Văn phòng Dân nguyện Trung Quốc, nhưng số đơn được giải quyết chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 1/500.

Nhóm luật sư từng bào chữa cho Nian hy vọng rằng, sau việc rút lại các cáo buộc và trả lại tự do cho Nian Bin, hệ thống tư pháp Trung Quốc “sẽ rút ra bài học” và giải quyết kịp thời những vụ án oan sai trước những cáo buộc bị tra tấn, ép cung”.