Những “thợ săn” tội phạm truy nã

ANTĐ - Trong những ngày đầu năm mới 2015 và khi thời điểm Tết nguyên đán Ất Mùi đến gần, cũng giống như các đơn vị nghiệp vụ khác của Công an TP Hà Nội, phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đang bước vào đợt cao điểm trấn áp tội phạm. Có mặt tại Phòng Cảnh sát truy nã những ngày này chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc hết sức khẩn trương của những người được mệnh danh là “thợ săn” tội phạm truy nã. Từng tốp chiến sỹ nối tiếp nhau rời trụ sở lên đường lần theo dấu vết của các đối tượng phạm tội để mang lại cho người dân một cái Tết bình yên. 
Những “thợ săn” tội phạm truy nã ảnh 1

Theo dấu vết tội phạm

Thiếu tá Trần Nhật Tân, Đội phó Đội Truy bắt 1 - Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm giở cuốn sổ ghi chép về những chuyên án của đơn vị. Mới chỉ bước qua năm 2014 chưa lâu nhưng tôi đã kịp nhìn thấy hàng chục vụ việc được các anh triệt phá trong thời gian qua, trong đó có không ít đối tượng có quyết định truy nã đặc biệt. Có thể kể đến đối tượng Trần Thị Lan (SN 1974, HKTT tại ngõ Văn Chương 2, Đống Đa, Hà Nội). Lan có quyết định truy nã về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và bị bắt ngày 6-1-2015. Thiếu tá Tân cho biết, Lan là một đối tượng hết sức ranh mãnh. Trong quá trình lẩn trốn, Lan đã tìm nhiều cách để đánh lạc hướng cơ quan công an. Đối tượng này đã vào thẩm mỹ viện để thay đổi hình dáng, đường nét khuôn mặt, thậm chí thị còn mua nhiều bộ tóc giả để thay đổi hàng ngày. Tuy nhiên tất cả những chiêu trò của Lan đã không thể qua mặt được sự tinh tường của các chiến sĩ bắt truy nã. Một chi tiết đặc biệt là chồng của Lan cũng là một đối tượng có lệnh truy nã của Công an TP Hà Nội và đã bị phòng Cảnh sát truy nã tội phạm bắt vào tháng 6 năm 2014.

Thiếu tá Trần Nhật Tân là người đã trực tiếp tham gia truy bắt rất nhiều đối tượng truy nã trong năm 2014 cho chúng tôi biết, để bắt được một đối tượng truy nã luôn đòi hỏi cán bộ công an phải thận trọng, tính toán lên phương án tỷ mỉ và đặc biệt là phải có sự kiên trì. Trong quá trình truy bắt đối tượng, đôi khi thông tin mà các anh có được chỉ là một manh mối hết sức mơ hồ và để làm sáng tỏ manh mối đó buộc phải rà soát hàng chục thậm chí là hàng trăm những đầu mối khác nhau mới có thể khoanh vùng được đối tượng.

Một kỷ niệm đáng nhớ của Thiếu tá Tân cùng đồng đội trong năm 2014 đó là hành trình truy bắt đối tượng Bùi Duy Hiếu (SN 1986, HKTT tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Hiếu là đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt của Văn phòng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội về tội danh lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng mối quan hệ quen biết, Hiếu đã vay của người quen số tiền gần 10 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Lần theo các mối quan hệ của Hiếu, phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm xác định Hiếu đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh. Thông tin duy nhất mà các trinh sát nắm được Hiếu đang là người bán Shisha (một loại thuốc hút qua ống nước, có xuất xứ từ các nước Ả Rập) ở đây. Tổ công tác có mặt tại TP Hồ Chí Minh đã phải tiến hành rà soát hàng trăm quán có phục vụ Shisha và hàng chục đối tượng rao bán mặt hàng này để tìm ra manh mối của Hiếu. Cuối cùng với sự tỷ mỷ, kiên trì chắp nhặt từng thông tin, các anh đã phát hiện và bắt được Hiếu khi y đang lẩn trốn ở nhà người yêu tại một chung cư thuộc quận 10, TP.HCM.

Nén nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ

Cho đến nay, cho dù thời gian đã trôi qua được gần 1 năm nhưng Trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn - đội Truy bắt 1 - Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - CATP Hà Nội vẫn chưa thể quên được chuyên án truy bắt đối tượng Lê Thanh Hà (42 tuổi, Đống Đa, Hà Nội). Nguyên nhân không chỉ bởi Hà là một đối tượng đã trốn truy nã lâu năm ở nước ngoài mà quá trình phá án còn gắn với một kỷ niệm buồn của anh.

Nhắc lại chuyên án này Trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn tâm sự: “Khi được lãnh đạo đơn vị giao cho theo dõi hồ sơ về nghi can này tôi đã rất trăn trở. Đối tượng Lê Thanh Hà phạm tội từ khi còn khá trẻ và sau đó đã trốn ra nước ngoài. Sau gần 20 năm lẩn trốn, Hà đã có sự thay đổi khá nhiều. Do vậy khi tiếp cận hồ sơ đối tượng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức để thu thập các thông tin tài liệu phục vụ cho chuyên án và quan trọng nhất là làm sao không để lọt tội phạm và tránh bắt nhầm người”.

Sau khi thông tin từ cơ sở cho biết Hà từ Liên bang Nga trở về Việt Nam và đang có mặt tại Hà Nội, Trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn cùng đồng đội đã khẩn trương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ rà soát để truy tìm manh mối của đối tượng. Đã có nhiều phương án được đưa ra, tuy nhiên điều khó khăn nhất đối với Trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn và đồng đội là việc nhận dạng đối tượng này. 

Do Hà là đối tượng cáo già lại biết mình đang bị cơ quan công an truy nã nên hắn thường che giấu tung tích rất kín. Có những lúc biết rõ địa điểm Hà sẽ xuất hiện, nhưng khi đến nơi thì đối tượng đã không còn ở đó. Vào một ngày cuối tháng 2-2014, Trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn nhận được nguồn tin Lê Thanh Hà rất có thể sẽ ra sân bay để lên đường trở về Cộng hòa Liên bang Nga. Biết rằng đây là cơ hội cuối nếu bỏ qua Hà có thể sẽ lại một lần nữa trốn thoát, Trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn đã quyết định báo cáo cấp trên phá án. Hôm đó, tổ công tác của Tuấn đã được bố trí mật phục sẵn tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài để chờ đối tượng xuất hiện.

Sau một thời gian chờ đợi cuối cùng các anh cũng “nhắm” được đối tượng khả nghi, tuy nhiên đó liệu có chắc chắn phải là Lê Thanh Hà đối tượng đang bị truy nã hay không thì còn chưa chắc chắn. Lúc này Tuấn liền cất tiếng gọi to: “Anh Hà ơi”. Theo phản xạ, người đàn ông đó giật mình quay lại. Ngay lập tức tổ công tác đã áp sát đối tượng này và mời về cơ quan công an làm việc. Lúc đầu Hà một mực cho rằng cơ quan công an đã bắt nhầm người, tuy nhiên sau một thời gian đấu tranh, trước những chứng cứ không thể chối cãi, người này buộc phải thừa nhận mình chính là Lê Thanh Hà, người đã bị cơ quan công an phát lệnh truy nã từ gần 20 năm trước đó.

Mặc dù chuyên án đã hoàn thành, nhưng với trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn anh lại không nguôi sự trăn trở. Khi nhận nhiệm vụ trong chuyên án này thì cũng là lúc người cha của anh mắc bệnh hiểm nghèo. Suốt thời gian đó anh luôn phải theo dấu đối tượng và không có nhiều thời gian để chăm sóc cho cha của mình. Và chỉ vài hôm trước khi bắt được đối tượng, cha của Trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn đã mãi mãi ra đi. Tuy nhiên, Tuấn vẫn cố nén nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Anh tâm sự: “Dù là con nhưng tôi chưa làm tròn bổn phận với cha của mình. Nhưng tôi biết cha sẽ không trách cứ tôi vì chính ông là người đã hướng tôi trở thành một người chiến sĩ công an như ngày hôm nay”.

Trọn lời hứa với nhân dân

Câu chuyện của Trung úy Nguyễn Hoàng Tuấn, người vừa được Công an TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt năm 2014” là một trong số rất nhiều những câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận được tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an TP Hà Nội. Nếu gọi công việc bắt đối tượng truy nã của các anh là một nghề, thì tôi đồ rằng đó là một nghề nằm trong “top” những nghề gian khổ và vất vả nhất, vì không nói ra thì ai cũng hiểu bắt truy nã không khác gì việc “mò kim đáy bể”. Đối tượng phạm tội thì luôn tìm cách che giấu hành tung, thân phận của mình dưới nhiều hình thức và lẩn trốn ở những nơi chân trời góc biển.

Còn với những chiến sĩ công an, nhiệm vụ của các anh là phải bắt đầu từ những dấu vết, manh mối dù là nhỏ nhất để có thể phát hiện và tầm nã các đối tượng phạm tội về quy án, trong đó có không ít những đối tượng được xếp vào diện đặc biệt nguy hiểm. Một trong những vụ việc như vậy trong năm 2014 được Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an TP Hà Nội thực hiện thành công là chuyên án mang bí số “TX 166T” truy bắt đối tượng Trần Văn Tùng tức Tùng “bê” (SN 1980, trú tại quận Hai Bà  Trưng, Hà Nội).

Trần Văn Tùng là đối tượng sử dụng súng quân dụng cùng đồng bọn gây ra vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng tại quận Hai Bà Trưng vào tháng 3-2010. Sau khi gây án, Tùng đã bỏ trốn và bị Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ra quyết định truy nã đặc biệt về hành vi giết người. Sau một thời gian dài tập trung lực lượng tổ chức xác minh, áp dụng các biện pháp trinh sát nghiệp vụ, Ban chuyên án xác định Tùng “bê” hiện đang lẩn trốn tại TP Nam Định (tỉnh Nam Đinh).

Do Tùng là một đối tượng cực kỳ nguy hiểm, manh động luôn sử dụng súng mang theo người, sẵn sàng chống trả lại lực lượng truy bắt khi bị phát hiện nên một mặt Ban chuyên án thu thập thêm thông tin, nắm chắc quy luật đi lại của Tùng “bê”, mặt khác chủ động xác định chính xác nơi Tùng đang ở, tính toán phương án tiếp cận, bắt giữ đối tượng đảm bảo nhanh gọn, an toàn. Theo đúng kế hoạch tổ công tác được trang bị đầy đủ áo chống đạn, vũ khí đã chia làm 3 mũi hóa trang mật phục trước nhà đối tượng để bắt giữ Tùng ngay tại nhà. Sáng hôm đó khi Tùng dắt xe máy đi ra ngoài cổng nhà chuẩn bị nổ máy thì lập tức đã bị các trinh sát bất ngờ áp sát, quật ngã. Tùng “bê” ngay sau đó đã bị dẫn giải về Hà Nội kết thúc quá trình hơn 4 năm lẩn trốn pháp luật của mình. 

Có thể nói, công việc của cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm thường gắn với những chiến công thầm lặng. Và đằng sau những chiến công đó là những vất vả, gian khổ và nguy hiểm mà cá anh phải đối mặt, tuy nhiên, vượt lên tất cả vẫn là một tinh thần thượng tôn pháp luật, luôn đấu tranh với tội phạm đến cùng. Thiếu tá Trần Nhật Tân tâm sự rằng, những người làm công tác truy nã tội phạm luôn tâm niệm một điều, nếu hoạt động điều tra chỉ dừng lại ở việc làm rõ đối tượng mà không có ai bị đưa ra trừng phạt trước pháp luật thì đó vẫn là món nợ đối với lực lượng Công an. Trong năm 2014, không ít những đối tượng tội phạm nguy hiểm đã sa lưới, không ít những chuyên án khó đã được tháo gỡ, nhiều kẻ gây án đã bị bắt sau nhiều năm lẩn trốn. Đó là những chiến công mà cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã đạt được và cũng là trách nhiệm thực hiện lời hứa với nhân dân của những người chiến sỹ bắt tội phạm truy nã.