Không để “đói” vốn

ANTĐ - Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư khẳng định, sau 2 tháng đầu năm nền kinh tế có những chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,24% so với cuối năm 2013, lạm phát cả năm có nhiều khả năng kiểm soát được sát mục tiêu 6%. Đà tăng trưởng GDP tiếp tục duy trì khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%. 

Xuất nhập khẩu 2 tháng ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, nền kinh tế đang tắc nghẽn tín dụng và ứ đọng tiền. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nhanh chóng giải ngân vốn cho xây dựng cơ bản, đưa tiền vào nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính báo cáo con số bội chi ngân sách 20.000 tỷ đồng, nhưng điều đáng lo ngại hơn là dù ngân sách huy động được gần 57.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, nhưng lại đang được Kho bạch Nhà nước mang đi gửi ngân hàng chứ không giải ngân cho các dự án. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tiền huy động bị ứ đọng không chỉ khiến kinh tế “đói” vốn mà sẽ đe dọa thanh khoản hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo hai ngành tài chính-ngân hàng cũng thừa nhận, nếu không sớm giải ngân, khơi thông dòng tín dụng cho các doanh nghiệp thì thời gian tới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đánh giá về thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, sau một thời gian giảm giá mạnh nay đã có dấu hiệu chững lại. Một số dự án tại các khu đô thị, chung cư tại Hà Nội giá tăng nhẹ chứng tỏ thị trường đang “ấm” lên. Tồn kho bất động sản đang giảm, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tiếp tục được giải ngân nhưng vẫn khá chậm. Thời gian tới cần tiếp tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, hướng đến người dân, những người có nhu cầu thực nhưng không có nhà ở.

Liên quan đến việc giải cứu bất động sản, một thành viên Chính phủ cho rằng, không cần phải “cứu” vì hiện tại giá nhà đất vẫn còn quá cao, các doanh nghiệp vẫn lãi gấp đôi so với chi phí bỏ ra. Ông chủ kinh doanh lĩnh vực này hầu hết là các đại gia đi “siêu xe”. Do vậy, cần kiểm toán độc lập vào xác định giá thành các khu đô thị, chung cư rồi yêu cầu bán với giá được kiểm toán. Như vậy mới giúp người dân mua được nhà với giá hợp lý, các ngân hàng cũng thu được nợ. Liên quan đến các nhóm giải pháp của Chính phủ như việc Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn cấp phép tín dụng cho doanh nghiệp, thực tế cho thấy thực hiện còn chậm trễ, hiệu quả không được là bao. Trong hai tháng đầu năm nay, tình hình tín dụng không được cải thiện mà còn giảm 1,66% so với cuối năm 2013.

Trước tình trạng tắc nghẽn tín dụng, ứ đọng vốn, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm mọi cách “bơm” tiền vào nền kinh tế, đưa vốn vào sản xuất kinh doanh. Cần đẩy nhanh giải ngân vốn cho các dự án, nhưng phải đi liền với kiểm soát chất lượng đừng để thất thoát, tiêu cực.