“Luật cần có cơ chế chịu trách nhiệm”

ANTĐ - Đó là kiến nghị của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, trong buổi thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau, liên quan đến dự án Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi, diễn ra sáng 17-4.

Thẳng thắn chỉ ra tình trạng quản lý tài chính ngân sách đang gây ra thất thoát, lãng phí lớn, trong khi đồng tiền không gắn với hiệu quả, đại biểu (ĐB) Lê Nam (ĐBQH Thanh Hóa) đề nghị Luật NSNN cần có cơ chế chịu trách nhiệm. Dẫn chứng, nhiều tòa nhà hiện nay được xây dựng rất đẹp, nhưng chẳng có ai đến ở; hay trồng rừng nhưng cũng chẳng có rừng, ĐB Lê Nam nhấn mạnh: “Nguyên tắc chịu trách nhiệm, gắn với hiệu quả là vô cùng quan trọng".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bế mạc hội nghị các ĐBQH chuyên trách

Một số ĐB chỉ rõ, vấn đề nợ công mới được đề cập ở Quốc hội (QH), còn tại các cấp xã, huyện vẫn chưa kiểm soát được. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều xã, huyện cứ đi vay để lấy kinh phí đầu tư xây dựng các công trình, nên nợ công của quốc gia không nhỏ. Xuất phát từ tình hình trên, các ĐB cho rằng ngay lập tức phải cấm những địa phương không có nguồn thu, thì không được vay. Một số ý kiến khác đề nghị các khoản chi QH phải quyết định và đã là chi quốc gia thì QH phải biết, kể cả chi trong quốc phòng - an ninh.

Cho rằng, trật tự kỷ cương trong quản lý tài chính đang có những sai phạm trong thu chi và tình trạng vượt dự toán diễn ra rất phổ biến, nhiều khoản chi vượt tới 2 lần, ĐB Bùi Đức Thụ (ĐBQH Lai Châu) đề nghị phải thay Nghị quyết về phân bổ ngân sách bằng Luật thường niên. “Nếu vẫn để Nghị quyết, thì hiệu lực pháp lý sẽ ra sao?" - ĐB Bùi Đức Thụ đặt câu hỏi và chỉ ra thực tế hiện nay trong 63 tỉnh, thành của cả nước chỉ có 13 tỉnh giàu, còn 50 tỉnh cần trợ cấp từ Trung ương.

Các ĐBQH chuyên trách tham gia góp ý vào Dự án Luật NSNN

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định thưởng cho những địa phương vượt thu, ĐB Bùi Đức Thụ phân tích: "Trong 13 tỉnh giàu thì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có cơ chế tự chủ riêng, còn lại là 11 tỉnh không nên áp dụng cơ chế thưởng”. Bày tỏ băn khoăn vì số thưởng vượt thu ngân sách và  số này được báo cáo vào các tháng 4, 5, trong khi ngân sách quyết toán đã đóng từ tháng 12 của năm trước, ĐB Bùi Đức Thụ nêu câu hỏi: “Như vậy thưởng có nên không?” và cho rằng khi ngân sách đã kết thúc, thì báo cáo sau này dễ làm quyết toán đã “ảo” càng “ảo” thêm. “Cần tính toán lại vấn đề quy định thưởng cho những địa phương vượt thu, nếu không đã nghèo lại càng nghèo, tụt hậu càng tụt hậu xa hơn” - Đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị.

Theo ĐB Ngô Văn Minh (ĐBQH Quảng Nam), QH quyết định ngân sách là vấn đề hết sức lớn, nên dự toán phải chính xác, khắc phục tình trạng luôn luôn vượt thu. Cho rằng, quy trình lập ngân sách chưa chuyên nghiệp, ĐB Ngô Văn Minh đề nghị Luật NSNN cần bổ sung việc địa phương bội chi trong năm đó không trả được nợ, thì không được vay tiếp. “Chưa trả được nợ thì không cho vay thêm, để quản lý được chặt chẽ hơn” - ĐB Ngô Văn Minh nhấn mạnh.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Dự án Luật NSNN phải được nghiên cứu, bàn bạc kỹ trước khi trình QH thông qua và dự án luật này phải thông qua sau Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Bế mạc hội nghị ĐBQH chuyên trách, Chủ tịch QH đặc biệt lưu ý đến ý kiến của ĐB về việc nhân dân bầu chủ tịch UBND xã, phường và mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp xuống còn 2 cấp - tỉnh và xã, phường trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.