Lấy ý kiến nhân dân là quyết định sáng suốt

ANTĐ - Sáng 28-1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về một số vấn đề liên quan đến Dự thảo Bộ Luật Dân sự (BLDS) sửa đổi - gọi tắt là Dự thảo. Tham dự tọa đàm có ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế - Bộ Tư pháp và Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. 

- Tại sao đến thời điểm này phải sửa đổi BLDS, thưa ông?

- Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế - Bộ Tư pháp: Xã hội Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển rất nhanh, trong khi đó luật pháp phải phản ánh cuộc sống. Sở dĩ phải sửa đổi BLDS vì phải có văn bản pháp luật mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong phát triển kinh tế và đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, dù văn bản quy phạm pháp luật có hoàn chỉnh đến mấy nhưng các quan hệ xã hội phát sinh rất nhanh dẫn đến thiếu quy định áp dụng nên BLDS phải bổ sung.

- BLDS mới được xây dựng theo định hướng nào?

- Ông Dương Đăng Huệ: Xây dựng BLDS tương xứng với vai trò là Hiến pháp của luật tư; cung cấp cơ chế pháp lý hữu hiệu cho người dân để bảo vệ quyền dân sự; hoàn thiện quyền sở hữu và các vật quyền khác đảm bảo ở Việt Nam tài sản nào cũng có chủ. Bên cạnh đó, phải xây dựng BLDS mà ở đó quan hệ thị trường được hình thành và phát triển ổn định.

- Dưới góc độ là luật gia, ông ấn tượng nhất với điểm mới nào trong Dự thảo?

 - Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam: Điểm mới ấn tượng nhất trong Dự thảo là quy định Tòa án không có quyền từ chối giải quyết yêu cầu của người dân về dân sự với lý do không có quy định của Luật. Thời gian qua đã xảy ra trường hợp Tòa án từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân và pháp nhân do Luật chưa quy định. Điều này khó có thể chấp nhận được trong nhà nước pháp quyền.

- Dự thảo có nhiều điểm mới trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự. Ông có thể nói rõ về vấn đề này?

- Ông Dương Đăng Huệ: BLDS là luật tư và bản chất quan hệ dân sự là bình đẳng, song vẫn có bên yếu thế. BLDS phải có trách nhiệm bảo vệ bên yếu thế, thiện chí. Chẳng hạn, vấn đề này được cụ thể hóa tại Khoản 3 Điều 428 về Phạt vi phạm “Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.

- Có ý kiến cho rằng, trong lĩnh vực dân sự, luật càng ít thì khoảng không tự do của con người càng nhiều. Quan điểm của ông?

- Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Pháp luật nên là công cụ cuối cùng mà người dân và Nhà nước sử dụng vì với 1 sự việc hay tranh chấp có nhiều cách giải quyết (dựa trên đạo đức, ý thức, văn hóa…). Luật càng nhiều chi phí cũng càng lớn nên phải thực sự cần thiết mới ban hành luật. Theo cá nhân tôi, vấn đề không phải là luật nhiều hay ít mà quan trọng là chất lượng của đạo luật đó như thế nào. Luật pháp cần cụ thể, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trói buộc tự do của người dân. BLDS chỉ điều chỉnh những chỗ cần thiết.

- Trong Dự thảo đã sử dụng một số thuật ngữ mới, thưa ông?

- Ông Dương Đăng Huệ: Đó nhu cầu mới của pháp luật Việt Nam, nếu chúng ta không sử dụng sẽ rất bất lợi. Ví dụ, khái niệm vật quyền và trái quyền là ngôn ngữ pháp lý chung của toàn thế giới. Việt Nam muốn hội nhập phải sử dụng ngôn ngữ chung đó.

- Ông nghĩ sao về tầm quan trọng của việc tổ chức lấy ý kiến người dân đối với Dự thảo BLDS sửa đổi?

- Ông Dương Đăng Huệ: Đó là quyết định sáng suốt do Dự thảo chỉ là sản phẩm của 1 nhóm người, chưa phải là trí tuệ chung của toàn dân. Bên cạnh những vấn đề mang tính khoa học cao, Dự thảo còn có nhiều vấn đề đời thường, giản dị mà người dân có thể đóng góp ý kiến.

Tuy vậy, để đạt hiệu quả cao, các địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của mình để áp dụng việc xin ý kiến người dân cho phù hợp, tập trung vào một số vấn đề. Điều quan trọng nhất là hiệu quả và tiết kiệm. Việc tiếp thu ý kiến phải tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức.